Ảnh minh họa |
Tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng giảm 1,18%, tương đương 234,65 điểm, xuống 19.699,16 điểm. Chỉ số KOSPI tại thị trường Seoul (Hàn Quốc) giảm 22,99 điểm, tương đương 0,91% và đóng cửa phiên ở mức 2.501,4 điểm.
Thị trường Trung Quốc Đại lục và Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ.
Nhà phân tích Seo Sang-young của công ty chứng khoán Mirae Asset nhận định, rủi ro của hệ thống ngân hàng Mỹ xuất hiện trở lại, với các ngân hàng thắt chặt điều kiện cấp tín dụng, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.
Bên cạnh đó, với quan ngại kéo dài về lạm phát cao, có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra những bình luận “diều hâu” sau cuộc họp chính sách.
Giới quan sát đặt cược rằng Fed sẽ phát đi tín hiệu kết thúc chu kỳ tăng lãi suất sau khi tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào cuối cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (cơ quan hoạch định chính sách của Fed) vào 14 giờ theo giờ Mỹ (1 giờ sáng giờ Việt Nam).
Thị trường chứng khoán châu Âu mở cửa với hy vọng Fed sẽ phát đi tín hiệu rằng lãi suất của Mỹ có thể sớm đạt đỉnh và nền kinh tế có thể “hạ cánh” nhẹ nhàng.
Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu đã tăng gần 0,5% sau đợt bán tháo mạnh phiên 2/5 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ.
Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận kinh tế tại Ngân hàng Mizuho ở Singapore, nhận định, việc Fed tăng lãi suất sẽ cho thấy giới chức thừa nhận rủi ro ngày càng tăng và con đường dẫn đến “hạ cánh mềm” ngày càng khó khăn hơn.
Về phía châu Âu, cuộc khủng hoảng niềm tin vào các ngân hàng đã khiến ngân hàng UBS sáp nhập Credit Suisse để tránh hoảng loạn. Giờ đây, các ngân hàng đang thắt chặt tín dụng, và điều này có thể khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất chậm hơn trong tuần này.
Chiến lược gia về lãi suất Jan Nevruzi của công ty phân tích thị trường NatWest Markets cho biết, diễn biến hiện nay củng cố ý tưởng ECB sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, thay vì 0,5 điểm phần trăm như dự báo trước đây.
Florian Ielpo, người đứng đầu bộ phận vĩ mô tại công ty quản lý tài sản Lombard Odier Investment Managers, cho biết, thị trường đồng thuận rằng nền kinh tế sẽ “hạ cánh mềm” và mọi tín hiệu theo hướng đó sẽ là tin tốt cho thị trường chứng khoán./.