(CMO) Từ khi có thêm chiếc phà thứ 2 để đưa rước khách qua sông, thu nhập và cuộc sống của gia đình chị Trà Thị Nương (ấp Cỏ Xước, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời) ổn định hơn nhiều so với trước. Chị Nương bộc bạch: “Nếu không vào tổ chức hội, không có sự giúp đỡ từ đồng vốn khởi nghiệp, biết chừng nào tôi mới sắm được thêm phương tiện như thế này”.
Có đất đai canh tác, vợ chồng chịu khó làm ăn nên trước đây gia đình chị Nương cũng được liệt vào trong danh sách có của ăn của để trong vùng. Nhưng do mấy lần chăn nuôi heo, nuôi tôm công nghiệp bị thua lỗ, cộng thêm chồng bệnh mắt phẫu thuật nhiều lần nên gia đình chị Nương rơi vào cảnh nợ nần, cuộc sống khó khăn.
Trong cơn hoạn nạn, người thân mỗi người giúp một ít, cùng với số tiền vay mượn, chị Nương sắm được chiếc phà, thuê người đưa rước khách qua sông. Mỗi ngày có đồng ra đồng vô, cuộc sống gia đình chị phần nào vơi bớt khó khăn.
Để giúp chị Nương có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống, năm 2017, Hội LHPN xã Lợi An đề xuất với Hội LHPN huyện tạo điều kiện để chị tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp.
Có được nguồn vốn vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện, cùng với nguồn vốn nội lực của chi hội phụ nữ ở ấp, chị Nương mua lại chiếc phà cũ rồi về tân trang lại, sắm thêm máy mới. Từ khi có thêm chiếc phà thứ 2, việc đưa rước khách qua sông thuận tiện hơn nhiều.
Chiếc phà được mua từ nguồn vốn hỗ trợ giúp chị Nương thuận tiện trong đưa rước khách.
Chị Nương cho biết: “Lúc trước chỉ có 1 chiếc phà, nếu bị trục trặc, đợi sửa rất lâu. Nhiều người không chờ được nên đi bến khác. Từ khi có thêm phà, việc đưa rước khách thuận lợi, lượng khách cũng nhiều hơn. Những ngày nắng, bến thu nhập 1-1,2 triệu đồng, mưa khoảng 700.000-800.000 đồng”.
Thấy lượng khách qua lại đông, chị Nương mở thêm tiệm tạp hoá nhỏ và quán nước cặp mé sông. Mấy công đất không còn nuôi tôm nữa chị trồng bồn bồn, mỗi ngày thu nhập khoảng 400.000 đồng. Cuộc sống gia đình chị ngày càng ổn định.
Nguồn vốn khởi nghiệp cũng giúp chị Nguyễn Thị Hồng (ấp Bình Minh 2, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) có việc làm ổn định. Chị Hồng cho biết, chồng đi làm ăn xa nên cuộc sống gia đình, con cái một mình chị đảm đương. Mấy công đất ruộng thì cho mướn để kiếm thêm tiền lo sinh hoạt gia đình, học hành của con.
Cách đây 1 năm, Hội LHPN huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội hỗ trợ chị nguồn vốn khởi nghiệp 10 triệu đồng. Có được vốn, chị Hồng mở rộng chuồng trại chăn nuôi. Sau khi tích luỹ được ít vốn, chị Hồng mướn căn nhà gần trường Tiểu học 1 Khánh Hưng, ấp Nhà Máy A để bán thức ăn sáng, bánh, kẹo, nước uống cho học sinh. Cuộc sống ổn định hơn nhiều so với trước đây.
Chị Hồng bộc bạch: “Lúc khó khăn, nhận được đồng vốn hỗ trợ, tôi mừng lắm. Nhờ đó mà có điều kiện làm ăn thêm. Việc trả vốn cũng dễ dàng, có thể trả từ từ”.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Văn Thời Phan Thu Hương chia sẻ: "Để giúp chị em có điều kiện sản xuất, kinh doanh, hội huy động nguồn vốn nội lực hoặc tạo điều kiện cho chị em vay vốn Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện. Nhiều hội viên được giúp đỡ đã xây dựng được các mô hình làm ăn hiệu quả. Đời sống các chị cải thiện hơn nhiều so với trước. Thời gian tới, hội sẽ duy trì và đẩy mạnh hoạt động giúp chị em khởi nghiệp".
Hỗ trợ vốn là giải pháp thiết thực để giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Không chỉ “trao cần câu” mà tổ chức hội phụ nữ từ huyện đến ấp còn hướng dẫn chị em cách làm ăn, thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, tháo gỡ khó khăn. Đó chính là động lực để khơi dậy ý chí chiến thắng cái nghèo trong hội viên, là “sợi chỉ đỏ” kết nối tình cảm hội viên với tổ chức hội phụ nữ.