Nhiều nông dân trở nên giàu có nhờ trồng cây phật thủ
Theo anh Đáng, nguồn thu 800 triệu đồng từ bán quả phật thủ/mẫu vườn cuối năm cũng chưa phải là nguồn thu đầu tiên. Đặc thù của cây phật thủ là cho quả quanh năm, vì thế từ tháng 1-4 âm lịch năm rồi đã được khoảng 200 triệu, từ tháng 4-7 thu thêm 300 triệu đồng.
Ngày cận Tết này về Đắc Sở cũng là lúc nhiều nông dân trong xã chộn rộn niềm vui với những hợp đồng bán vườn quả tiền tỷ cho thương lái.
Ngày 20/1 vừa qua, vườn quả phật thủ của vợ chồng anh Tạ Hữu Đáng và chị Nguyễn Thị Dung bất ngờ đón một đoàn khách lạ.
Gần 20 thành viên trong đoàn dẫn đầu là ông Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và giám đốc các sở, ngành cùng xuống vườn, để nghe về phương cách đầu tư thế nào mà một mẫu ruộng có thể thu được tiền tỷ trong năm.
Ở lều tranh, quanh năm thu tiền tỷ
Đi giữa khu vườn có cả trăm cây phật thủ đang trĩu quả, ông Nghị đặt câu hỏi với chủ vườn: “Vườn này chỉ bán quả vào dịp Tết, bán cả vườn quả thì giá trị bao nhiêu?”.
“Cháu vừa ký hợp đồng bán xô cả vườn để Tết người ta đến hái, giá bán đã ký trên hợp đồng là 800 triệu đồng”, chủ vườn Tạ Hữu Đáng cho biết.
Ở độ tuổi 40, anh Đáng đã có 5 năm gắn bó với nghề trồng phật thủ. “Gia đình đang trồng 2 mẫu (1ha = 2,7 mẫu) phật thủ, trong đó 1 mẫu đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch bán dịp Tết, còn lại cây mới trồng được một năm và sang năm sẽ bắt đầu cho thu hoạch”, anh Đáng cho hay.
Theo anh Đáng, nguồn thu 800 triệu đồng từ bán quả phật thủ/mẫu vườn cuối năm cũng chưa phải là nguồn thu đầu tiên. Đặc thù của cây phật thủ là cho quả quanh năm, vì thế từ tháng 1-4 âm lịch năm rồi đã được khoảng 200 triệu, từ tháng 4-7 thu thêm 300 triệu đồng.
Và từ tháng 7-11 âm lịch thì để lứa quả này bán Tết. Cuối tháng 12/2014 đã ký bán cả vườn quả thu thêm được 800 triệu đồng nữa. “Như vậy, thu nhập cả năm của vườn phật thủ này gần 1,3 tỷ đồng”, anh Đáng nói.
Sau 5 năm gắn bó với cây phật thủ trên cánh đồng ở xã Đắc Sở, bây giờ cả cánh đồng xã Yên Sở (bên cạnh xã Đắc Sở) toàn là người dân Đắc Sở sang thuê đất làm giàu.
“Đất trồng cây phật thủ chỉ được 5 năm là phải chuyển nơi khác, không thể trồng cây phật thủ mãi được. Vì thế, cứ hết mỗi “nhiệm kỳ” 5 năm theo vòng đời của cây, người dân xã Đắc Sở lại phải đi tìm thuê đất ở các xã xung quanh để tiếp tục trồng cây. Lựa đất cũng phải kén chọn, đó phải là loại đất pha cát màu mỡ, nếu là đất màu thì bắt buộc phải pha thêm cát cây mới sống được”, anh Đáng kể.
Chăm cây như chăm con
Để có được những vườn cây phật thủ quả đẹp, nhiều ngón, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, việc chăm sóc cây rất vất vả và tỉ mỉ.
“Người chăm cây phải yêu và hiểu nó mới gắn bó được. Như việc bón phân cũng phải theo định kỳ, không bón ồ ạt được. Bón phân phải đều, nếu nhiều quá hoặc ít quá cây đều chết. Khi bón các loại phân cao cấp, phân gà trấu, phân heo thì phải qua xử lý. Để cây phật thủ cho quả đẹp, mình cũng phải làm bạn với phân. Xử lý ủ phân heo phải thử chi li đến mức khi nào phân mát mới được bón cho cây, nếu phân còn nóng mà bón cây sẽ chết”, anh Đáng chia sẻ.
Anh Tạ Hữu Hùng, chủ vườn phật thủ có diện tích 4 mẫu đất, “khoe” trừ vốn đầu tư, 2 mẫu vườn phật thủ cho thu hoạch cũng được tiền tỷ dịp cuối năm. Sau 10 năm trồng phật thủ, kiêm luôn vai trò thương lái loại trái này, hiện anh Hùng được xem là tỷ phú của vùng đất này.
Theo anh Hùng, muốn cây đạt hiệu quả, cuộc sống của người trồng và sức sống của cây phải là một.
“Phải thường xuyên giữ độ ẩm phù hợp cho cây, không để cây khô quá, không để cây ẩm quá. Lúc giữ quả cho tết không tưới nhiều quá, nếu không cây sẽ nhanh chín quả”, anh Hùng chia sẻ.
Theo người dân địa phương, sở dĩ có tên gọi là cây phật thủ bởi cây cho ra loại quả có những hình ngón tay giống ngón tay Phật. Quả cây dùng để làm cảnh, thờ cúng. Từ khi ngắt khỏi cây, quả có thể giữ nguyên vẹn màu sắc suốt 4-5 tháng.
Do đó từ trước Tết nhiều tháng, khách hàng các nơi đã đến đây đặt mua làm quà gửi cho người thân đang ở nước ngoài. Chỉ những quả xấu không bán được, bà con nông dân mới gom lại mang về lò sấy nhà anh Đáng để chế biến xuất sang Trung Quốc.
Nhiều chủ vườn cho biết, khách hàng rất thích quả “phật thủ tay ngón” có hình ngón tay Phật và coi đó là quả đẹp, chấp nhận mua với giá cao.
Cả xã mướn đất làm giàu
Anh Tạ Văn Phúc - chủ tịch Hội Sản xuất kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở, cho biết xã có gần 300 hộ gia đình đang trồng cây phật thủ với tổng diện tích khoảng 200 ha, bình quân mỗi hộ khoảng 1-2 mẫu, trong đó hộ trồng nhiều nhất từ 7-8 mẫu.
Theo anh Phúc, trước đây dân làng này có truyền thống đi buôn hoa quả. Thấy quả phật thủ đẹp, một số người dân địa phương đã mang cây này từ trên vùng cao về xã trồng thử.
Và kết quả thật bất ngờ, cây này rất phù hợp với chất đất của địa phương, lại cho ra giống quả làm cảnh rất đẹp và lạ, nên đã nhanh chóng được bà con trong xã nhân rộng.
“Nó vốn là một loại cây dại trong rừng, được bà con miền núi trồng để làm cảnh chơi cho đẹp nhà thôi, nhưng hiện tại là 'cây làm giàu' cho cả xã Đắc Sở và các vùng lân cận xung quanh”, anh Phúc nói.
Theo anh Phúc, nhờ giống cây này mà nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhiều người có nhà cao tầng, có tiền mua đất, sắm sửa nhiều thứ trong nhà. Anh Phúc cho biết thêm hiện cả xã đều phải đi thuê đất để trồng phật thủ.
Ở các xã lân cận, mỗi mẫu sẽ được thuê lại với giá 25 triệu đồng/năm. “Chỉ tính riêng số tiền thuê đất mà người nông dân xã Đắc Sở trả cho các vùng xung quanh cũng đã gấp mấy lần tiền từ việc thu hoạch hoa màu trước đây”, anh Phúc khẳng định.
Anh Phúc cũng cho biết thường phải đầu tư khoảng 400 triệu đồng/mẫu cho 20 tháng đầu, sau đó mới cho thu hoạch. Với mỗi mẫu ruộng trồng phật thủ, có gia đình thu được hơn 1 tỷ, nhà trung bình 700-800 triệu đồng, nhà ít cũng thu được 100-200 triệu đồng/năm.
Chỉ tính riêng hai năm đầu, khi thu hoạch lứa quả đầu tiên, nếu làm tốt cũng thu được khoảng 600 triệu đồng. Như vậy 1 ha trồng phật thủ, nếu có kỹ thuật chăm sóc tốt lại khéo tay thì mỗi năm mang về nguồn thu 2 tỷ đồng.
Vì chu kỳ của cây chỉ có năm năm nên hiện nay trên các cánh đồng trồng phật thủ ở quanh khu vực các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng... có đến 90% là do dân xã Đắc Sở trồng.
Giá trị kinh tế cao, diện tích cây phật thủ tăng nhanh Theo bà Nguyễn Thị Hường - chủ tịch UBND xã Đắc Sở, giá trị kinh tế của cây phật thủ cao hơn nhiều so với các loại cây màu khác. Vì thế, số người trồng và diện tích cũng tăng theo cấp số nhân. Từ chỗ diện tích khiêm tốn khoảng 20 ha năm 2010 đến nay vùng bãi tại xã Đắc Sở đã phủ kín với 70 ha. Ngoài ra, người dân trong xã còn thuê hơn 100 ha đất vùng bãi của xã Yên Sở, thậm chí thuê thêm hàng vài chục ha đất ở các xã khác như Tiền Yên (Hoài Đức), Sài Sơn (Quốc Oai) và ở huyện Đan Phượng, huyện Phúc Thọ để trồng loại cây này. Đến nay đã có đến 80% hộ dân trong xã có thu nhập chính bằng cây phật thủ |
Theo Tuổi trẻ
Samsung cam kết thay đổi công nghệ smartphone