Báo Công Thương xin trân trọng biên dịch và giới thiệu với bạn đọc nội dung bài viết. Nhân dịp này, các Bộ trưởng và quan chức chính phủ UAE cùng với các lãnh đạo từ các tổ chức kinh tế hàng đầu đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) giữa UAE và Việt Nam. Hiệp định này được xem là một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hợp tác kinh tế của UAE với các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó Việt Nam được xác định là đối tác chiến lược và là một nền kinh tế hàng đầu tại khu vực châu Á.
Bộ trưởng Tài chính UAE, ông Mohamed Hadi Al Hussaini khẳng định: "Việc ký kết CEPA giữa UAE và Việt Nam đã mở ra những hướng mới cho hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia. Bằng cách loại bỏ các rào cản thương mại và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, hiệp định này không chỉ thúc đẩy thương mại song phương mà còn tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới. Điều này sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho mục tiêu tăng trưởng và đa dạng hóa nền kinh tế UAE, đồng thời củng cố vị thế của đất nước chúng tôi như một trung tâm thương mại và đầu tư toàn cầu". Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE, ông Suhail bin Mohammed Faraj Al Mazrouei cho biết: "Hiệp định CEPA với Việt Nam mở ra những chân trời hợp tác mới trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng - những lĩnh vực trọng yếu cho sự phát triển bền vững lâu dài của cả hai quốc gia. Việt Nam, với sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, mang đến nhiều cơ hội đáng kể cho UAE trong việc cung cấp chuyên môn và mở rộng đầu tư. Năm 2023, Việt Nam sản xuất 69% tổng năng lượng mặt trời và gió của ASEAN, khẳng định vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng của khu vực". Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Tiên tiến, Tiến sĩ Sultan bin Ahmed Al Jaber chia sẻ: "Hiệp định này hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của lãnh đạo UAE trong việc thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác quốc tế. Nó không chỉ hỗ trợ mục tiêu đa dạng hóa kinh tế mà còn giúp mở rộng mạng lưới đối tác thương mại và đầu tư của UAE trên toàn thế giới. Ngoài ra, hiệp định còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp của UAE sang Việt Nam và các nước ASEAN, góp phần thực hiện Chiến lược Quốc gia về Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến của chúng tôi". Bộ trưởng Kinh tế, ông Abdulla Bin Touq Al Marri, chia sẻ rằng UAE và Đông Nam Á có nhiều lợi ích chung. Theo ông: "Hiệp định CEPA với Việt Nam - đối tác thương mại lớn nhất của chúng tôi tại khu vực Đông Nam Á - giúp thắt chặt mối quan hệ giữa hai nền kinh tế và mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như an ninh lương thực, sản xuất, và logistics. Với GDP của Việt Nam đạt khoảng 470 tỷ USD trong năm nay và tốc độ tăng trưởng dự kiến 6% vào năm 2025 và những năm tiếp theo, Việt Nam là một thị trường tiềm năng lớn cho các nhà xuất khẩu và nhà đầu tư của UAE". Ông Mohamed Hassan Al Suwaidi - Bộ trưởng Đầu tư nhận định rằng CEPA đánh dấu một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ đầu tư giữa UAE và Việt Nam. Theo ông: "Việt Nam, với sự phát triển kinh tế nhanh chóng và vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, là điểm đến lý tưởng cho dòng vốn UAE, đặc biệt trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp và logistics. Thông qua Chương trình Đối tác Kinh tế Toàn diện, chúng tôi xác định các đối tác tăng trưởng và đảm bảo các thỏa thuận mang lại lợi ích đôi bên, mở rộng danh mục đầu tư toàn cầu của UAE và củng cố vị thế của đất nước như một trung tâm hàng đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài". Tiến sĩ Amna bint Abdullah Al Dahak - Bộ trưởng Bộ Biến đổi Khí hậu và Môi trường cũng khẳng định rằng: "Hiệp định CEPA giữa UAE và Việt Nam là cơ hội đáng kể để hai bên hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và phát triển bền vững. Với thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm như gạo, hạt điều, dừa, gia vị và sữa, kết hợp với mạng lưới thương mại toàn cầu của UAE, chúng tôi có thể cùng nhau giải quyết những thách thức an ninh lương thực toàn cầu". Bộ trưởng Ngoại thương, ông Dr. Thani bin Ahmed Al Zeyoudi nhấn mạnh: "Hiệp định này là một phần trong chiến lược thương mại quốc tế của UAE, hướng tới mục tiêu tăng trưởng thương mại phi dầu mỏ lên 4 nghìn tỷ AED và xuất khẩu phi dầu mỏ trên 800 tỷ AED vào năm 2031. Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại phi dầu mỏ lớn nhất của UAE trong khu vực ASEAN, với kim ngạch thương mại phi dầu mỏ đạt 6,1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái". Ông Khaled Mohamed Balama - Thống đốc Ngân hàng Trung ương UAE cho rằng: "Quan hệ hợp tác giữa UAE và Việt Nam theo Hiệp định CEPA là minh chứng cho sự nỗ lực và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo UAE trong việc đa dạng hóa kinh tế và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực. Hiệp định này không chỉ giúp tăng cường thương mại và đầu tư song phương mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính cho cả hai quốc gia trong tương lai".
|