Hai khái niệm khác nhau
Trình bày trước Quốc hội ngày 30/5 về các nội dung sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đề xuất đưa cụm từ "giá dịch vụ đào tạo” thay cụm từ “học phí” để tính phí dịch vụ đào tạo, dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác...
Trước thông tin này, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: “Học phí và giá dịch vụ đào tạo là hai khái niệm khác nhau, phải xét trong hai tình huống khác nhau. Học phí là chỉ để người học, gia đình người học đóng cho nhà trường. Còn giá dịch vụ đào tạo là chi phí thực cho hoạt động đào tạo đối với một người học cụ thể. Hai khái niệm đó hoàn toàn khác nhau, đặt trong hai bối cảnh khác nhau”.
Về cụm từ “giá dịch vụ đào tạo”, TS. Lê Viết Khuyến lý giải: “Các nhà kinh tế giáo dục thường gọi giá dịch vụ đào tạo là chi phí đơn vị. Các nhà kinh tế giáo dục phải tính được giá dịch vụ đào tạo hay chi phí đơn vị để xác định xem có đúng với thực tế đào tạo. Hay nói cách khác, giá dịch vụ đào tạo là để đánh giá xem khoản thu của nhà trường thông qua học phí có bị thu quá hay không, trường hoạt động có lợi nhuận hay không. Ngoài học phí ra còn có những khoản khác để tính giá dịch vụ đào tạo như: Ngân sách đầu tư của Nhà nước, huy động từ cộng đồng, xã hội hóa, các nhà hảo tâm và hoạt động của nhà trường, các dịch vụ nghiên cứu khoa học… rất nhiều khoản khác cộng với học phí mà bằng chi phí đơn vị là được. Nhưng thực tế, người học và với phụ huynh chỉ cần quan tâm mình phải đóng bao nhiêu. Trong trường hợp này phải gọi là học phí, còn nếu dùng là giá dịch vụ đào tạo là không hợp lý".
TS. Lê Viết Khuyến nhấn mạnh: “Chi phí cho đào tạo có nhiều nguồn thu khác nhau, chứ không phải bắt người dân phải đóng góp toàn bộ, vì vậy trong Luật Giáo dục đại học dùng từ ‘giá dịch vụ đào tạo’ sẽ dẫn đến hiểu nhầm rất tai hại”.
Đừng thương mại hóa giáo dục
Theo ông Lê Đức Vĩnh, nguyên Trưởng bộ môn Toán, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, việc sử dụng khái niệm học phí trong giáo dục thể hiện quan điểm coi giáo dục là một ngành đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa tránh việc thương mại hoá trong giáo dục. Nếu thực hiện giá dịch vụ giáo dục như dự thảo này, Việt Nam sẽ có đến 80% sinh viên nghỉ học, bởi chi phí giáo dục đắt đỏ và không phải gia đình nào cũng đủ sức để chi trả.
Hiện nay, có một trường dân lập đã tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo nên học phí lên đến 19-20 triệu đồng/tháng. Đối với những trường kỹ thuật khi tính đúng, tính đủ chi phí đào đào tạo học phí sẽ lên đến 40-50 triệu đồng/tháng, chưa kể đến chi phí sinh hoạt hàng ngày của sinh viên. Với chi phí này vượt quá sức chi trả của nhiều sinh viên nghèo, còn đối với những gia đình điều kiện sẽ bỏ khoảng 100 triệu đồng/tháng để cho con đi du học ở các nước như: Đức, Pháp… vì những nước này không thu học phí của sinh viên.
Ông Vĩnh cũng chỉ ra thực tế, hiện nay giáo dục đại học đang phải chạy theo cơ chế thị trường nên các trường đưa ra nhiều chính sách để thu hút sinh viên, nhưng cơ sở vật chất lại không đáp ứng đủ. “Tôi đã từng dạy ở những giảng đường nhỏ nhưng lại có đến 200 sinh viên, hoặc có những trường phải thuê địa điểm ở xa trường và thời gian học đến 21 giờ hàng ngày, như vậy chất lượng không đảm bảo”. Ông Vĩnh nói và cho rằng, nếu thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ trong giáo dục đại học sẽ nguy hại cho nền giáo dục nước nhà.
“Hiện trong giáo dục đại học cũng đã có một số trường tính đúng, tính đủ nên kiến thức được quy ra tiền. Do vậy, ở một số trường có hiện tượng nhiều kiến thức trong giáo trình được cắt giảm để giảm số tiết, việc thực hành của sinh viên cũng bị cắt giảm để giảm chi phí đào tạo, nên chất lượng giáo dục không được đảm bảo. Sản phẩm làm ra trong giáo dục là con người, nên khi sản phẩm bị lỗi sẽ tốn kém tiền của và vật chất của xã hội. Đặc biệt, vì một lý do nào đó sản phẩm lỗi lại có vị trí công việc nào đó sẽ rất nguy hại cho xã hội”- ông Vĩnh nêu ý kiến.
Theo ông Vĩnh, hiện nay ở một số trường đại học của nước Anh, Mỹ cũng đã tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo nên có mức học phí cao, song những nước này vẫn có những trường đại học phi lợi nhuận để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Trong khi đó, trường đại học Việt Nam chưa có trường nào phi lợi nhuận mà đã tính đến việc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo là không hợp lý, thương mại hóa giáo dục đại học.
Khi thực hiện tính đúng tính đủ trong giáo dục đại học thì mối quan hệ giữa nhà trường và người học có thể trở thành quan hệ mua - bán. “Người mua là thượng đế, người bán phải chiều lòng thượng đế. Như vậy, việc thực hiện tính đúng, tính đủ trong giáo dục đại học là một điều vô cùng sai lầm. Tôi e rằng, khi đó những quan hệ thầy- trò cũng sẽ bị bóp méo”, ông Vĩnh nêu quan điểm.