| Phối cảnh nhà điều hành sân bay Long Thành. Ảnh: TL |
Phải khẳng định dự án cấp thiết để đại biểu yên tâm “bấm nút” Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Việc thực hiện chính sách đặc thù này, nhằm bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực, nhất là các nguồn lực ngoài nhà nước. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), quá trình thực hiện đã phát sinh những nội dung chưa phù hợp với bối cảnh và yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn trong đầu tư xây dựng. Do đó, cần có những giải pháp tháo gỡ ngay trong khi chờ sửa đổi các quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý để tháo gỡ những khó khăn, bất cập của thực tiễn đặt ra mà chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh. Theo đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang), việc xác định các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm rất quan trọng, là cơ sở để xem xét, quyết định một dự án có thuộc diện được áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo nghị quyết hay không. Do vậy, cần xác định rõ đây là thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù mà các dự án nào đáp ứng đủ tiêu chí thì được áp dụng. Cũng băn khoăn về quy định này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) bấm nút tranh luận. “Điều 3 dự thảo nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí nhưng lại không có các tiêu chí cần phải có như tính hiệu quả, tính hợp lý và tính cấp thiết. Dự thảo Nghị quyết không có những nội dung cụ thể tiêu chí này nhưng lại có danh mục dự án thì vấn đề đặt ra là các dự án có trong danh mục có bảo đảm yêu cầu” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, dự thảo nghị quyết quy định về quy trình nếu như muốn xin bổ sung dự án để đưa vào danh mục thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. “Để đại biểu Quốc hội an tâm bấm nút thông qua danh mục dự án, có ý kiến đề nghị cần phải có thẩm tra khẳng định được những dự án này là hợp lý, cấp thiết và hiệu quả. Nếu không thì đề nghị giao cho Chính phủ quyết định” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất. Tăng tỷ lệ vốn nhà nước để dự án PPP hấp dẫn hơn Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Theo đề xuất của Chính phủ, quy định này cho phép tăng tỷ lệ vốn tham gia của nhà nước vào dự án PPP từ không quá 50% lên không quá 70%. Đa số đại biểu tán thành với đề xuất của Chính phủ nhằm tạo động lực hơn nữa trong việc thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân, bảo đảm hiệu quả tài chính dự án. Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết, ông băn khoăn với Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư chỉ quy định tỷ lệ vốn của Nhà nước không quá 50% tổng mức vốn đầu tư của dự án. Điều này dẫn đến các nhà đầu tư không mặn mà với dự án đầu tư theo hình thức này. Do đó, đại biểu đề nghị việc hợp tác đầu tư công tác cần cân nhắc tỷ lệ vốn góp, trình tự thủ tục đầu tư, tránh việc kéo dài dự án, thời gian từ khi đề xuất đến khi khởi công dự án quá dài. Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP là vấn đề khó và nhạy cảm. Trước đây không quy định tỷ lệ, sau này có Luật PPP đưa ra tỷ lệ 50%. Dù thời điểm đó đưa ra tỷ lệ này đều có căn cứ rõ ràng nhưng đến nay nhận thấy quy định này không còn phù hợp. Ví dụ như các dự án đi qua các địa phương có lưu lượng xe thấp nhu cầu vận tải không cao, thì nhà đầu tư không quan tâm, hay các dự án đi qua các đô thị thì chi phí giải phóng mặt bằng là rất lớn… Do đó, cần thiết nâng tỷ lệ vốn nhà nước với yêu cầu là bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân và bảo đảm tính khả thi. Bởi, nếu tỷ lệ thấp thì không thu hút nhà đầu tư, nhưng nếu nâng cao quá thì không còn ý nghĩa của dự án PPP nữa. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, nâng tỷ lệ vốn nhà nước lên là vấn đề cần tính toán, cân nhắc. Qua tính toán cho thấy mức 70 - 75% là hợp lý. Tuy nhiên, một số dự án có thể cao hơn song từng dự án cụ thể, tùy khả năng cân đối vốn của Nhà nước để quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội để trong thời gian tới rà soát nghiên cứu sửa đổi Luật PPP. Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long): Cần thẩm định tính khả thi của dự án trước khi kêu gọi đầu tư | Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh |
Thực tiễn trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư PPP thời gian qua còn nhiều khó khăn vướng mắc, cần cấu trúc tài chính phù hợp trong mô hình hợp tác PPP do đặc thù rủi ro cao của các dự án hạ tầng giao thông. Nhà nước cần mở rộng biên độ hỗ trợ về tài chính, nhằm tăng khả năng về tài chính của dự án, giúp nhà đầu tư mau hoàn vốn, nhất là với các dự án đang chuẩn bị đầu tư, triển khai giai đoạn tới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tôi thống nhất với phương án tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án. Điều này sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho các loại dự án này khi phương án tài chính khả thi hơn, rút ngắn thời gian hoàn vốn. Ngoài ra, tạo động lực thu hút, huy động đầu tư tư nhân trong xây dựng các dự án đường bộ, tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cần xây dựng tiêu chí cho phép các dự án đường bộ được áp dụng mức trần nhà nước trên 50% vốn đầu tư. Chính phủ, các bộ ngành liên quan cần thẩm định tính khả thi của dự án trước khi kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia, qua đó xác định được mức độ hấp dẫn của dự án đối với nhà đầu tư tư nhân, kiểm soát được quá trình triển khai, đo lường được mức độ ảnh hưởng của dự án tới người dân. Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai): Phải ưu tiên nguyên tắc thỏa thuận giữa các địa phương | Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) |
Về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, Điều 6 dự thảo nghị quyết được thiết kế theo logic: các địa phương trao đổi sau đó Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 6 có đưa ra 3 nguyên tắc để xác định cơ quan chủ quản thực hiện dự án trong trường hợp dự án giao thông đường bộ đi qua từ 3 địa phương trở lên. Theo đó, tỷ trọng vốn đầu tư lớn hơn; khối lượng công việc nhiều hơn và theo thỏa thuận giữa các địa phương. Tôi đề nghị cần thiết kế lại quy định tại Điều 6 theo hướng: Đối với dự án giao thông đường bộ qua nhiều tỉnh, nguyên tắc ưu tiên là nguyên tắc thỏa thuận giữa các địa phương, sau đó mới đến nguyên tắc tỷ trọng vốn đầu tư lớn hơn và khối lượng công việc nhiều hơn. Phải ưu tiên nguyên tắc thỏa thuận, bởi giữa các địa phương, lợi ích của địa phương sẽ được UBND tỉnh đó ưu tiên trước. Khi nguyên tắc thỏa thuận được áp dụng nhưng không thành công thì UBND cấp tỉnh của các địa phương sẽ báo cáo Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trường hợp này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo nghiên cứu, cân nhắc và lựa chọn giữ nguyên tắc tỷ trọng vốn đầu tư lớn hơn và khối lượng công việc nhiều hơn để giao cho một địa phương làm cơ quan chủ quản áp dụng theo quy định./. |