Doanh thu và lợi nhuận trên hoàn thành tương ứng 96,1% và 26,8% kế hoạch đặt ra. Trong quý 3/2021, hoạt động kinh doanh của Viettel Post đã bị gián đoạn nặng nề do các quy định giãn cách xã hội. Theo đó, doanh thu dịch vụ lõi như chuyển phát và logistics giảm 39,6% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, so với mức giảm doanh thu và sản lượng toàn ngành bưu chính (giảm 50%) so với quý 2/2021 mà Bộ Thông tin và truyền thông công bố, kết quả này là đáng khích lệ. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp chuyển phát phải hoạt động cầm chừng, ngừng cung ứng dịch vụ hoặc đóng cửa điểm giao dịch, việc Viettel Post duy trì vận hành, tham gia công tác đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa, hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân vùng dịch đã khiến chi phí vận hành tăng cao và biên lợi nhuận gộp giảm 55% so với cùng kỳ. Trong giai đoạn này, Viettel Post vẫn duy trì hơn 1.500 lượt xe liên tỉnh mỗi ngày để duy trì lưu thông hàng hoá thiết yếu. Tuy gặp nhiều khó khăn trong đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Viettel Post vẫn đạt được những thành tích đáng chú ý trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tính đến hết quý 3/2021, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò đã đưa 18.110 hộ sản xuất nông nghiệp, 12.731 sản phẩm lên sàn và hỗ trợ hàng nghìn tấn nông sản lưu thông. Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò cũng đưa ra các chương trình “Đi chợ hộ” và “Đi chợ online” với hơn 251.000 đơn hàng tính đến ngày 30/9/2021. Trong quý 3/2021, doanh thu qua sàn thương mại điện tử này đã tăng 126% so với cùng kỳ và vượt 47% so với kế hoạch đặt ra. Đáng chú ý, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò đã lọt top 10 Doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam và tăng lên thứ hạng 5 vào tháng 9 theo báo cáo của Reputa trong quý 3/2021. Để thích ứng với dịch Covid-19 và đảm bảo lưu thông hàng hóa, Viettel Post đã tổ chức tiêm vaccine cho 100% cán bộ nhân viên. Tính đến ngày 30/9/2021, hơn 75% cán bộ nhân viên của Viettel Post đã tiêm đủ 2 mũi. Kể từ cuối tháng 9/2021, 100% hệ thống bưu cục, cửa hàng Viettel Post đã hoạt động ổn định trên toàn mạng lưới. Để sẵn sàng phục vụ khách hàng, Viettel Post đã lên kế hoạch, tổ chức kịch bản phân luồng khai thác và vận chuyển hàng hóa trong trạng thái bình thường mới để vừa đạt mục tiêu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm, vừa đảm bảo các quy định phòng chống dịch. Doanh nghiệp cũng tiếp tục triển khai mạnh mẽ các sáng kiến đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tối ưu chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong quý 3, Viettel Post đưa 1Office vào số hoá toàn bộ quy trình làm việc hay đưa Chatbot và Callbot vào giải đáp và chăm sóc khách hàng. Song song với đó, Viettel Post tiếp tục đưa hệ thống SAP ERP vận hành trên quy mô lớn và triển khai hệ thống Control Tower để giám sát chất lượng toàn trình cũng như tối ưu hoá hành trình bưu gửi thông qua AI. Đối với các chi phí thường xuyên, đặc biệt là chi phí thuê văn phòng, Viettel Post cũng đàm phán thành công với 50% đối tác, chi phí xin miễn giảm trung bình đạt 23%. Trong quý 4/2021, Viettel Post dự kiến hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ 5+ với đầy đủ các dịch vụ hậu cần thương mại điện tử cho các công ty sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử. Đơn vị cũng đưa vào triển khai dịch vụ giao nhận quốc tế trên sàn vận chuyển đa phương thức MyGo và đẩy mạnh dịch vụ vận tải hàng lẻ, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa liên tỉnh của khách hàng. Đáng chú ý, kể từ 11/2021, Công ty thương mại điện tử và SBU Viễn thông của Viettel Post sẽ được sát nhập để tập trung hoá thành một kênh bán hàng online-offline xuyên suốt và lớn nhất với 2.200 bưu cục cửa hàng, 300.000 điểm bán và hơn 18.000 nhân viên bán hàng. Kênh bán hàng thống nhất này sẽ cung cấp toàn bộ các dịch vụ mà Tập đoàn Viettel đang kinh doanh cũng như hợp tác cùng các công ty sản xuất để phân phối sản phẩm đến tận tuyến huyện, xã. Về công tác cổ phiếu, Viettel Post đang hoàn thiện hồ sơ và thủ tục liên quan để niêm yết cổ phiếu Viettel Post lên sàn HoSE trong năm 2022. |