Đối với Việt Nam, việc xây dựng, công bố một hệ thống CMKTC công hoàn chỉnh có tính chất tương đồng, hài hòa với quốc tế là điều tất yếu, khách quan và là một yêu cầu cấp bách hiện nay.
Cần thiết phải ban hành
Theo ông Vũ Đức Chính – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (QLGSKTKT), thực hiện nhiệm vụ theo đúng tinh thần tại Luật Kế toán 2015, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Cục QLGSKTKT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội nghề nghiệp… tham mưu, soạn thảo, trình Bộ Tài chính ban hành Đề án hệ thống CMKTC quốc tế (IPSAS) tại Việt Nam.
Theo ông Chính, việc ban hành Đề án IPSAS trong thời điểm này là rất cần thiết. Bởi thực tế, trong những năm gần đây, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam diễn ra rất mạnh mẽ. Việc gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới và khu vực như WTO, Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, cam kết với các tổ chức tài chính như ADB, WB, IMF... đòi hỏi Việt Nam phải cung cấp thông tin có tính chuẩn mực, có khả năng so sánh và được quốc tế thừa nhận, ngoài ra đòi hỏi Việt Nam phải tuân thủ theo lộ trình đã thỏa thuận có cam kết về minh bạch hóa thông tin kế toán, nhất là trong lĩnh vực kế toán công,…).
Ông Chính cho rằng, hệ thống CMKTC Việt Nam sau khi ban hành sẽ là cơ sở để các đơn vị trong khu vực công thực hiện công tác kế toán, lập báo cáo tài chính, cung cấp thông tin hữu ích cho việc quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn lực thuộc Nhà nước, đặc biệt là thống nhất tập trung dữ liệu của các đơn vị kế toán công và áp dụng các quy định của kế toán theo một thông lệ chung của quốc tế; hướng dẫn đến kế toán dồn tích đầy đủ đối với đối tượng là kế toán công; đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế, thu hút nguồn lực bên ngoài, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị kế toán công.
Bài học từ kinh nghiệm quốc tế
Theo ông Vũ Đức Chính, ban soạn thảo đề án đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về việc áp dụng IPSAS, qua đó cho thấy từng quốc gia có sự khác nhau về cách thức áp dụng IPSAS nên việc lựa chọn mô hình nào cần phải được nghiên cứu kỹ thực trạng, kinh nghiệm của từng nước để trao đổi, thống nhất phương án thực hiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cũng chính từ việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, ban soạn thảo cho rằng để áp dụng được CMKTC tại Việt Nam thì cần lưu ý một số điểm, như: Việc ban hành CMKTC cần gắn với mục tiêu cải cách tài chính công. Xây dựng hệ thống CMKTC trước hết chúng ta phải đặt trong bối cảnh hiện tại cũng như những định hướng lâu dài về quản lý tài chính công của Việt Nam.
Việc ban hành CMKTC cần phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Cơ sở để xây dựng hệ thống CMKT của Việt Nam, được nêu tại Khoản 3, Điều 7 Luật Kế toán quy định: “Bộ Tài chính quy định chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam”. Như vậy hệ thống CMKTC của Việt Nam sẽ căn cứ vào hệ thống CMKTC quốc tế. Tuy nhiên hệ thống CMKTC quốc tế được xây dựng và áp dụng chung, do vậy đối với từng quốc gia có những bất cập do có những điểm khác biệt về cơ chế quản lý tài chính, ngân sách. Vì vậy, một số nội dung CMKTC quốc tế cần phải được sửa đổi cho phù hợp với Việt Nam.
Một điểm đáng lưu ý nữa, chúng ta cần xác định và thực hiện theo mô hình phù hợp, kết hợp linh hoạt việc áp dụng đầy đủ nguyên mẫu đối với một số chuẩn mực, áp dụng hoặc tuyên bố không áp dụng đối với một số quy định trong từng chuẩn mực; bổ sung, sửa đổi một số nội dung để phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Chuẩn mực kế toán công quốc tế là một hệ thống những quy định và hướng dẫn về những nguyên tắc, nội dung, phương pháp và thủ tục kế toán cơ bản, chung nhất và đầy đủ, làm cơ sở ghi chép kế toán và lập báo cáo tài chính nhằm đạt được sự đánh giá trung thực, hợp lý, khách quan về thực trạng tài chính và kết quả hoạt động của các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công. |
Đức Minh