Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy: Lũy kế đến ngày 20-402915, tổng số dự án FDI còn hiệu lực là trên 18,2 nghìn dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 255 tỷ USD.
Trong đó, TP.HCM là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với hơn 5,4 nghìn dự án, tổng vốn đầu tư là xấp xỉ 39 tỷ USD. Khoảng cách giữa địa phương đứng đầu và địa phương đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba là rất đáng kể. Đứng thứ hai là Hà Nội với hơn 3,1 nghìn dự án, tổng vốn đăng ký là trên 23 tỷ USD. Xếp vị trí thứ ba là Bình Dương với hơn 2,5 nghìn dự án, tổng vốn đăng ký là trên 20,1 tỷ USD.
Khoảng cách giữa các tỉnh thành thuộc “top” đầu với các địa phương ở vị trí thấp nhất là rất lớn.
Tính về số lượng dự án FDI, Kon Tum là tỉnh thu hút được ít dự án FDI nhất với vỏn vẹn 3 dự án. Lai Châu thấp thứ hai với 4 dự án FDI.
Song nếu tính theo số vốn thu hút được, Lai Châu là tỉnh “đội sổ” khi 4 dự án FDI chỉ có vốn đăng ký là 4 triệu USD, trong khi 3 dự án của Kon Tum cũng có số vốn là hơn 70 triệu USD, cao hơn nhiều địa phương khác.
Các địa phương khác như Hà Giang, Bắc Kạn, Đắc Nông, Cao Bằng tuy số lượng dự án nhiều hơn Kon Tum nhưng số vốn lại thấp hơn nhiều (lần lượt là 13,3 triệu USD; 17,91 triệu USD; gần 20 triệu USD; 50,23 triệu USD).
Ngoài ra, những địa phương thu hút được dưới 10 dự án FDI còn có tên các tỉnh Đắc Lắc, Tuyên Quang, Cà Mau.
Còn top 10 các địa phương thu hút nhiều FDI nhất là TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thái Nguyên.