Vé chưa giảm nhưng đã “đòi” phụ thu
Cụ thể tại bến xe Giáp Bát,ưagiảmgiávéxekháchlạicònđòiphụthutớbxh bdn 2 có hai đơn vị đã đăng ký giá vé phụ thu gồm DN tư nhân Hiền Phước (Hà Nội) chạy tuyến Bến xe miền Đông (TP.HCM) – Giáp Bát và DN tư nhân Hùng Thắng (Thanh Hóa), chạy tuyến Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) – Hà Nội.
Trong đó nhà xe Hùng Thắng đăng ký mức phụ thu chung là 40%, giá vé đề xuất từ 80 nghìn tăng lên 112 nghìn đồng/lượt thực hiện từ 8/2 đến 28/2.
Còn nhà xe Hiền Phước đăng ký 3 mức phụ thu, 20%, 40% và 60%, thời gian áp dụng dài hơn, từ ngày 31/1 đến ngày 6/3. Trong đó mức phụ thu 60% áp dụng từ ngày 10/2 đến 25/2, mức 40% áp dụng hai đợt: từ 5/2 đến 9/2 và 26/2 đến 1/3, mức 20% áp dụng cho thời gian còn lại. Hiện tại giá vé chiều bến xe Miền Đông – Giáp Bát của nhà xe này là 880 nghìn đồng/lượt, đã giảm 40 nghìn đồng từ ngày 15/1.
Ngày 28/1, theo kế hoạch kiểm tra giá thị trường Tết Nguyên đán Ất Mùi tại ba miền Bắc - Trung - Nam của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, đoàn miền Bắc đã có cuộc làm việc với Sở Tài chính Hà Nội về công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn, trong đó có công tác quản lý giá sữa và giá cước vận tải.
Chiều cùng ngày, đoàn đã có cuộc làm việc với hai Bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm về tình hình giảm giá cước vận tải của các DN tại hai bến xe này.
Tại bến xe Nước Ngầm cũng có 2 đơn vị, gồm DN tư nhân Chín Nghĩa (Quảng Ngãi) đăng ký giá vé phụ thu cho 4 tuyến: TP.HCM đi Quảng Ngãi, Quảng Ngãi đi Hà Nội, Đăk Lắk đi Quảng Ngãi và Cần Thơ đi Quảng Ngãi.
Với 3 mức phụ thu 20%, 40% và 60%, DN này đăng ký thời gian áp dụng phổ biến từ 31/1 đến 15/3, mức cao nhất 60% áp dụng từ 8/2 đến 15/3 tùy tuyến, cá biệt có tuyến TP HCM – Quảng Ngãi áp dụng mức phụ thu 60% đến tận ngày 6/6. Riêng tại Hà Nội, DN này chỉ đăng ký 2 mức phụ thu 40% (từ 19/2 đến 21/2) và 60% (từ 22/2 đến 15/3) cho tuyến Hà Nội – Quảng Ngãi và ngược lại.
DN tiếp theo có đăng ký là HTX xe khách Trung Nam đăng ký hai tuyến TP HCM – Hà Nội và TP HCM – Lào Cai, mức phụ thu cao nhất 60% áp dụng từ 9/2 đến 18/2; mức 40% từ 5/2 đến 8/2 và 19/2 đến 21/2, mức 20% từ 31/1 đến 4/2.
Đáng chú ý trong số 4 nhà xe nói trên, trước khi đề xuất áp dụng giá vé phụ thu dịp Tết, chỉ 3 DN có trong danh sách đã đăng ký giảm giá với bến xe. Cụ thể, DN Hùng Thắng giảm 11,11% và DN Hiền Phước giảm 4,35% đều đã áp dụng từ 15/1; DN Chín Nghĩa giảm 12,5% nhưng áp dụng từ 9/6/2014, riêng HTX xe khách Trung Nam chưa thấy trong danh sách giảm giá vé đăng ký tại Bến xe Nước Ngầm.
Phụ thu tới 60% là không chấp nhận được
Lý do phổ biến được cả 4 đơn vị đăng ký phụ thu giải trình trong hồ sơ đăng ký giá để tăng cước là do dịp tết hành khách chủ yếu đi một chiều về trước tết và sau tết, còn chiều ngược lại rất ít khách nên DN phải bù lỗ.
DN Hiền Phước có thêm lý do đã đầu tư lô xe mới để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, dẫn đến chi phí khấu hao, các chi phí cố định khác cũng tăng theo.
Trong khi đó DN Chín Nghĩa giải trình mặc dù nhiên liệu giảm nhưng giá thành vận tải tăng hơn so với lúc ban đầu vì các tuyến đường quốc lộ đang nâng cấp, sửa chữa, đào đường, xe chạy số nhỏ đứng lại nhiều máy chạy không dẫn đến nhiên liệu tăng gấp 1/3 lần so với ban đầu. Cộng với lốp bị cấn đá nổ, phuột hơi bị bỏng liên tục, bộ giảm sóc cũng bị hỏng nên chi phí tăng cao.
Tại cuộc họp về giữa Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính với Sở Tài chính Hà Nội sáng 28/1, ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó trưởng phòng giá của Sở cho biết, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có công văn gửi Sở Tài chính đề nghị hỗ trợ chiều xe chạy rỗng cho tuyến từ 150-300km ở mức 30%, tuyến trên 300km với mức 40% giá vé hiện hành.
Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục giảm sâu, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã liên tục kiểm tra, yêu cầu các DN vận tải giảm cước tương ứng với mức giảm của giá xăng dầu, song ông Minh cho rằng, vẫn có những tuyến cần hỗ trợ chiều về hoặc có cơ chế bù giá, đặc biệt đối với những xe tham gia tăng cường dịp Tết.
“Có cho phép DN phụ thu hay không, mức phụ thu là bao nhiêu cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như điều kiện của DN sẽ được cơ quan quản lý cân nhắc, tính toán kỹ trước các đề xuất của DN. Quan điểm của Sở vẫn là làm sao bảo đảm cho người dân đi lại thuận tiện nhất, đặc biệt là trong dịp Tết sắp tới”, ông Minh nói.
Khác với sự “thận trọng” của cơ quan quản lý, chiều 28/1, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết, DN đề xuất phụ thu cũng phù hợp với thực tế vì trong dịp Tết chắc chắn sẽ có một chiều rất ít khách. “Tuy nhiên nếu DN đề xuất phụ thu ở mức khoảng 40% là hợp lý, nhưng đến 60% là không thể chấp nhận được”, ông Lập khẳng định.
Với quan điểm này, trao đổi với đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính, ông Lập cho biết sẽ không cho phép DN áp dụng mức phụ thu đến 60% tại Bến xe Nước Ngầm.
Hoàng Lâm