Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ về hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bãi nhiệm, thay thế và xếp phụ cấp kế toán trưởng, phụ trách kế toán trong các đơn vị kế toán thuộc lĩnh vực kế toán nhà nước.
Đối tượng của Thông tư là những người được bổ nhiệm làm kế toán trưởng (phụ trách kế toán) trong các đơn vị kế toán thuộc lĩnh vực kế toán Nhà nước.
Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và đơn vị sự nghiệp, tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước như đơn vị sự nghiệp tự cân đối thu - chi, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, Tổ chức phi Chính phủ và các Hội, Liên hiệp, Tổng hội tự cân đối thu- chi… đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
Dự thảo Thông tư quy định, các đơn vị kế toán phải bổ nhiệm kế toán trưởng, gồm: Các đơn vị kế toán thu, chi NSNN các cấp (trừ đơn vị thực hiện công tác kế toán ngân sách và tài chính cấp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là đơn vị kế toán cấp xã); Đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí NSNN, đơn vị dự trữ của Nhà nước, các quỹ tài chính khác của Nhà nước, tổ chức công tác kế toán theo cấp dự toán được xác định là đơn vị kế toán theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Nghị định số 128/2004/NĐ-CP của Chính phủ; Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và các Sở quản lý ngành ở địa phương có tổ chức đơn vị kế toán cấp I, cấp II và cấp III.
Riêng đối với các đơn vị kế toán thuộc các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, cơ yếu, việc bổ nhiệm người làm kế toán trưởng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ quy định sau khi thoả thuận với Bộ Tài chính.
Tiêu chuẩn bổ nhiệm kế toán trưởng: Về phẩm chất đạo đức, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành và đấu tranh bảo vệ chính sách, chế độ kinh tế, tài chính và pháp luật của Nhà nước. Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đối với đơn vị kế toán cấp Trung ương và cấp tỉnh, người được bổ nhiệm làm kế toán trưởng phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên; đơn vị kế toán ở cấp khác phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ bậc trung cấp trở lên.
Về thời gian công tác thực tế làm kế toán, đối với chức danh kế toán trưởng yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đại học trở lên thì thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 2 năm. Đối với chức danh kế toán trưởng yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bậc trung cấp hoặc cao đẳng thì thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 3 năm.
Điều kiện để được bổ nhiệm làm kế toán trưởng gồm: Có đủ tiêu chuẩn quy định như trên tại Thông tư; có Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng theo quy định tại Quy chế về tổ chức bồi dưỡng và cấp Chứng chỉ kế toán trưởng hiện hành và không thuộc các đối tượng những người không được làm kế toán theo quy định của Luật Kế toán.
Đối với chức danh phụ trách kế toán, theo dự thảo Thông tư, các đơn vị kế toán được bổ nhiệm chức danh này, gồm: Các đơn vị kế toán quy định tại Điều 4 của Thông tư này nếu chưa có người đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định để bổ nhiệm làm kế toán trưởng thì phải bổ nhiệm người phụ trách kế toán trong thời hạn tối đa là 1 năm tài chính, sau đó phải bổ nhiệm kế toán trưởng.
Trường hợp sau 1 năm mà người phụ trách kế toán đó vẫn chưa đủ tiêu chuẩn và điều kiện để bổ nhiệm làm kế toán trưởng thì phải tìm người khác đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm hoặc thuê người làm kế toán trưởng theo quy định của pháp luật. Riêng đối với các đơn vị kế toán thuộc vùng sâu, vùng xa thì có thể kéo dài thời gian phụ trách kế toán nhưng tối đa không quá 3 năm tài chính và phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của cơ quan tài chính đồng cấp.
Người được bổ nhiệm làm phụ trách kế toán cũng phải có đủ các tiêu chuẩn quy định về đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn nghiệp vụ quy định cho kế toán trưởng nhưng chưa có đủ tiêu chuẩn về thời gian công tác thực tế về kế toán hoặc chưa có Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng.
Người được bổ nhiệm làm phụ trách kế toán tại các đơn vị chỉ bố trí một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm và các đơn vị kế toán xã, các đơn vị kế toán cấp III, chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn nghiệp vụ về kế toán.
Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ có trách nhiệm phối hợp tổ chức thực hiện, kiểm tra việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bãi nhiệm, thay thế và xếp phụ cấp kế toán trưởng, phụ trách kế toán trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc lĩnh vực kế toán nhà nước trong toàn quốc theo quy định của Thông tư này.
Như vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã sớm thực hiện lời hứa của mình trước Quốc hội. Văn bản được Bộ Tài chính gửi lấy ý kiến rộng rãi chỉ 2 ngày sau phiên chất vấn. Dự kiến, sau khi được ban hành, quy định trên đây cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã và sẽ ban hành trong thời gian tới sẽ tăng cường quản lý, giám sát các TĐ, TCT Nhà nước theo hướng công khai, minh bạch và tăng cường vai trò quản lý Nhà nước.
Minh Anh