Xuất phát từ thực trạng ô nhiễm môi trường ở địa bàn nông thôn,ệuquảmhnhthugomrcthảyamagata fc Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, đã xây dựng mô hình thu gom rác thải sinh hoạt nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Rác thải sinh hoạt được người dân thu gom bỏ vào sọt chờ đơn vị đến lấy.
Cũng như các vùng nông thôn khác trên địa bàn tỉnh, rác thải sinh hoạt ở xã Vị Trung, đang đặt ra nhiều thách thức lớn. Mỗi ngày, một lượng rác sinh hoạt khá lớn thải ra môi trường. Trong khi đó, tại xã lại không quy hoạch được các bãi rác tập trung, không có bãi rác công cộng, không quy định chỗ tập trung rác, không có người và phương tiện chuyên chở rác, do vậy mỗi hộ gia đình phải tự xử lý rác thải của nhà mình. Cách xử lý được áp dụng nhiều và được coi là thuận lợi nhất với người dân đó là đốt, chôn lấp mương, thậm chí là vứt xuống bất cứ chỗ nào có thể như sông, kênh, rạch.
Ông Đoàn Văn Vinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vị Trung, cho biết: “Lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày phát sinh nhiều, nhưng do hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ nên rác thải của các hộ dân đa phần tự xử lý. Do không tổ chức thu gom được nên người dân cứ vô tư vứt xuống sông, kênh, rạch hoặc sau nhà. Tình trạng này kéo dài đã gây bức xúc trong dư luận”.
Trước tình hình đó, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề rác thải nông thôn là tổ chức được việc thu gom, tập trung rác về một điểm để xử lý. Trên nền tảng cơ sở hạ tầng những năm gần đây đã được đầu tư ngày càng đồng bộ, vì thế, đầu năm 2018 Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vị Trung đã xây dựng mô hình thu gom rác ở ấp 12 với trên 100 hộ dân khu vực này tham gia. Theo đó, cứ đều đặn 2 ngày, đơn vị thu gom rác sẽ đến lấy rác. Tiền phí thu gom rác sẽ được thu theo đúng quy định của giá Nhà nước. Ngoài ra, khi tham gia thực hiện mô hình, mỗi hộ dân đều được bố trí một sọt rác để thu gom rác thải sinh hoạt.
Ông Lê Văn Ngọt, ở ấp 12, xã Vị Trung, chia sẻ: “Hồi trước, lúc chưa có đơn vị thu gom, rác của gia đình tôi thường đem ra vườn để đốt. Thế nhưng, chỉ đốt vào mùa nắng, chứ mùa mưa thì cũng gây khó khăn nên cũng ảnh hưởng về việc rác tồn đọng, phát sinh mùi hôi. Nay địa phương tổ chức thu gom như vầy là quá tốt rồi, dòng sông bớt ô nhiễm, đường sá cũng không còn rác thải”.
Theo ông Ngọt, gia đình ông chọn cách đốt để xử lý rác thải sinh hoạt, thế nhưng ở khu vực này vẫn còn một số hộ dân thiếu ý thức cứ vô tư vứt rác xuống sông. Thế nhưng con sông này, hiện nay ông cũng như một số gia đình khác đều sử dụng nước trong nhu cầu tắm, giặt hàng ngày. “Tôi nghĩ thực hiện việc này không khó, nếu một, hai nhà thu gom rác đúng nơi quy định, nhà kế bên đem rác quăng xuống sông cũng tự thấy ngại. Do đó, mà tôi đồng tình tham gia để môi trường khu vực mình sinh sống được sạch - đẹp hơn”, ông Ngọt thổ lộ.
Còn ông Lê Thanh Danh, ở ấp 12, xã Vị Trung, bộc bạch: “Giờ có xe rác đến tận nhà thu gom chúng tôi phấn khởi lắm và mỗi tháng chỉ trả 16.500 đồng. Thật sự số tiền này không nhiều, trong khi lượng rác thải sinh hoạt của gia đình mỗi tháng cũng khá lớn. Cứ duy trì như thế này thì còn gì bằng”.
Ông Đoàn Văn Vinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vị Trung, cho biết: Mục đích của mô hình là từng bước thay đổi thói quen của người dân trong việc xử lý rác thải sinh hoạt. Có thể thấy, chỉ sau vài tháng thực hiện, ý thức của bà con ở nơi triển khai mô hình đã nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân vẫn chưa thống nhất đóng tiền phí rác thải sinh hoạt. Để giải quyết các vấn đề nêu trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã sẽ cùng các đoàn thể địa phương tiếp tục vận động người dân tham gia, tuyên truyền về những tác hại của việc vứt rác bừa bãi. Với những giải pháp trên thì việc xây dựng tiêu chí môi trường trong năm nay sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra.
Bài, ảnh: THANH THÚY