Bà Bùi Ngọc Dung, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ Ngọc Hiển, chia sẻ: “Ðể công tác “Dân vận khéo” chuyển biến tích cực, Ban Dân vận Huyện uỷ Ngọc Hiển đã triển khai thực hiện phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng điển hình “Dân vận khéo”, xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các lực lượng làm công tác dân vận”.
Bà Bùi Ngọc Dung, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ Ngọc Hiển, chia sẻ: “Ðể công tác “Dân vận khéo” chuyển biến tích cực, Ban Dân vận Huyện uỷ Ngọc Hiển đã triển khai thực hiện phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng điển hình “Dân vận khéo”, xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các lực lượng làm công tác dân vận”.
Từ đó, các cấp uỷ Ðảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể trên địa bàn huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Việc tổ chức phát động phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, có nhiều đổi mới, đa dạng về nội dung, phong phú về cách làm, phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương, đơn vị. Cụ thể từ công tác "Dân vận khéo", việc tuyên truyền các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân ngày càng hiệu quả, thiết thực.
Tuyên truyền Nhân dân trồng cây xanh làm hàng rào, góp phần xây dựng nông thôn mới. (Ảnh chụp ở ấp Ông Quyền, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển). |
Ấp Ông Quyền, xã Tân Ân Tây là một trong những ấp được chọn là nơi chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới của xã Tân Ân Tây. Với khởi điểm ban đầu còn nhiều khó khăn: đường giao thông chưa được cứng hoá, chưa có trụ sở sinh hoạt văn hoá, đời sống của đại bộ phận người dân chưa ổn định... Thế nhưng, hiện nay, ấp Ông Quyền đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới. Kết quả đó là sự cố gắng không ngừng của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận tại địa phương.
Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đội ngũ cán bộ dân vận ấp đã đi sâu, đi sát thực tế để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng, đồng thời tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và lắng nghe ý kiến của người dân. Từ đó, đã tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Nhờ dân vận khéo mà Nhân dân trên dưới nhất trí, đồng lòng dốc sức hiến đất, đóng góp ngày công lao động để xây dựng, cứng hoá đường giao thông.
Ðến thời điểm này, đoạn lộ bê-tông dài gần 5 km, rộng 2 m huy động hơn 1 tỷ đồng và hơn 900 ngày công của Nhân dân nối liền từ ấp đến lộ cấp VI đồng bằng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; hơn 7 km lộ đất đen từ các trục lộ chính đấu nối trục lộ nhánh của ấp cũng đã hoàn thành và đang chờ bê-tông hoá. Những tuyến đường lộ giao thông hoàn thành góp phần tạo thuận lợi cho việc đi lại, thông thương hàng hoá cho người dân.
Ông Nguyễn Minh Phụng, Bí thư Chi bộ ấp Ông Quyền, cho biết về công tác vận động Nhân dân: “Thực hiện công tác "Dân vận khéo" phải thật sự gần dân, sát dân và hiểu được những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân thì mới đạt được hiệu quả. Ðã qua trên địa bàn ấp, ban đầu việc xây dựng lộ có một số dân không đồng thuận, nhưng cán bộ ở địa phương đã khéo léo vận động cho Nhân dân thấy được lợi ích trước mắt cũng như lâu dài, thế là người dân đồng lòng”.
Không chỉ khéo tuyên truyền vận động Nhân dân xây dựng lộ giao thông mà đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ấp Ông Quyền còn vận động người dân hiến đất xây dựng trụ sở sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền người dân trồng hàng rào cây xanh... sớm hoàn thành các tiêu chí còn lại để đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới của ấp.
Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các cuộc vận động “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, thanh niên “xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”… toàn huyện có trên 50 mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Khóm 4, thị trấn Rạch Gốc, hơn 3 km đường lộ giao thông đã được thắp sáng từ mô hình ánh sáng an ninh của Hội Cựu chiến binh khóm. Mô hình đã phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an ninh và an toàn giao thông trên địa bàn. Kinh phí thực hiện mô hình hơn 10 triệu đồng do hội viên cựu chiến binh đóng góp và vận động nguồn hỗ trợ.
Ðược biết, trước đây dọc tuyến đường khóm chưa có hệ thống điện chiếu sáng, tình trạng va chạm giao thông do mặt đường hẹp, thanh - thiếu niên tụ tập về đêm; nạn trộm cắp thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của Nhân dân. Trước tình hình đó, Hội Cựu chiến binh khóm đến từng nhà dân để vận động, giải thích ý nghĩa, hiệu quả của việc thực hiện mô hình “Ánh sáng an ninh”. Nhờ tích cực vận động, tuyên truyền mà hiện nay 100% hộ dân ven hai tuyến đường đã đồng tình thực hiện. Theo đó, mỗi hộ phải tự bảo quản bóng đèn trước nhà và chi thêm khoảng 10.000 đồng/tháng để đóng tiền điện.
Ông Ngô Văn Lọ, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh Khóm 4, thị trấn Rạch Gốc, cho biết: “Dân vận khéo thật ý nghĩa và mang lại lợi ích của đời sống xã hội, những người làm công tác dân vận phải làm bằng cái tâm, trái tim thì mới đạt hiệu quả cao”.
Ông Lại Thành Lợi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Rạch Gốc, cho biết thêm: “Hiện nay, tập trung vào công tác Dân vận khéo chúng tôi sẽ vận động Nhân dân hầu khắp trên địa bàn thị trấn mắc bóng đèn thắp sáng nằm trong chương trình đảm bảo an ninh. Dù người dân bỏ tiền thực hiện nhưng Nhân dân đồng tình cao. Vì dân vận đã trúng tâm điểm, lợi ích của cộng đồng xã hội”.
"Công tác “Dân vận khéo” có ý nghĩa thiết thực, là nguồn thuốc bổ để người dân cùng đồng thuận các chủ trương đề ra. Do vậy, những người làm công tác dân vận phải thật sự là những người truyền đạt kiến thức hữu ích cho người dân; khi nói chủ trương thì người dân nhớ, khi dân cần thì có dân vận…", bà Bùi Ngọc Dung chia sẻ./.
Bài và ảnh: Chí Hiểu - Trúc Linh