Rời ghế trong yên ổn?íẩngìsauviệcđạigiaTrầmBêrờighếôngchủlịch bóng đá vô địch pháp
Khác với rất nhiều trường hợp thường thấy ở các ngân hàng bị sắp xếp, sáp nhập, bị mua với giá 0 đồng… vừa qua, việc ông Trầm Bê rời ghế Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Sacombank được nhìn thấy là khá yên ắng và được công bố là “theo nguyện vọng cá nhân”, chứ không phải vì các lý do lùm xùm khác.
Theo thông tin công bố của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ngày 11/11/2015, Hội đồng Quản trị ngân hàng này đã có quyết nghị “thống nhất cho ông Trầm Bê thôi giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Sacombank theo nguyện vọng cá nhân”.
Câu chuyện ông Trầm Bê rời ghế “ông chủ” của Sacombank không còn là điều gây bất ngờ, bởi trước đó, vào đầu tháng 8/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có công văn số chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank - PNB) vào Sacombank trên cơ sở tự nguyện của 2 ngân hàng này.
Thông tin từ NHNN phát đi ngày 13/8 cho biết: “Ông Trầm Bê hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo qui định của pháp luật và Điều lệ ngân hàng PNB, Điều lệ ngân hàng Sacombank sau khi nhận sáp nhập PNB đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, PNB và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan.
Như vậy, ông Trầm Bê sẽ không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập. Đồng thời NHNN sẽ thực hiện quyền cổ đông đối với toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của ông Trầm Bê và những người có liên quan và sẽ cử người tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập, đảm bảo ngân hàng này hoạt động an toàn và thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu của hai ngân hàng.
Ông Trầm Bê cũng cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông Trầm Bê”.
Như vậy, việc ông Trầm Bê thôi không giữ vị trí quản lý và điều hành trực tiếp ở Sacombank sau khi sáp nhập đã được cho tín hiệu từ trước, nhưng những nghi hoặc từ tính tò mò của không ít người vẫn hiển diện – đó là tại sao ông Trầm Bê lại mất bao nhiêu công sức, tiền của để có được vị trí “ông chủ" ở Sacombank lại đồng ý giao lại toàn bộ quyền đó cho Ngân hàng Nhà nước?
Câu hỏi này đến nay dường như vẫn chưa được làm sáng tỏ. Bí mật trong câu chuyện trên vẫn là điều nằm trong vòng “bí mật”! Và đến hiện tại, khi sự kiện ông Trầm Bê chính thức không còn tên trong Hội đồng Quản trị của Sacombank lại tiếp tục được khơi lại… vì việc ông Trầm Bê yên ắng rời ghế ông chủ ở Sacombank cũng lại bị coi là “một sự lạ” và lại nảy sinh thêm những mối nghi hoặc khác xung quanh câu chuyện này.
Những “hoài niệm” về Southern Bank
Có thể thấy rằng, Southern Bank - nơi ông Trầm Bê và các con của ông sở hữu tỷ lệ trên 20% cổ phần, đã trải qua giai đoạn được coi là “bết bát” trước khi có được “đưa sang vòng tay” của Sacombank.
Theo dữ liệu lịch sử của ngân hàng này cho biết, Ngân hàng TMCP Phương Nam (Ngân hàng Phương Nam) được thành lập 19/5/1993 với số vốn ban đầu 10 tỷ đồng. Năm đầu, Ngân hàng Phương Nam đạt tổng vốn huy động 31,2 tỷ đồng; dư nợ 21,6 tỷ đồng; lợi nhuận 258 triệu đồng. Với mạng lưới tổ chức hoạt động là 1 Hội sở và 1 chi nhánh.
Nhưng sau đó, ngân hàng này đã có một sự lớn mạnh rất ấn tượng, khi tiến hành sáp nhập với một loạt các ngân hàng và các tổ chức tín dụng trong giai đoạn 1997 – 2003 như: Sáp nhập Ngân hàng TMCP Đồng Tháp năm 1997, sáp nhập Ngân hàng TMCP Đại Nam năm 1999, năm 2000 mua Qũy Tín Dụng Nhân Dân Định Công Thanh Trì Hà Nội, năm 2001 sáp nhập Ngân hàng TMCP Nông Thôn Châu Phú, năm 2003 sáp nhập Ngân hàng TMCP Nông thôn Cái Sắn, Cần Thơ… Theo đó, đến 2010 Ngân Hàng TMCP Phương Nam đã có được 105 chi nhánh, phòng giao dịch và đơn vị trực thuộc, tọa lạc trên khắp phạm vi cả nước; vốn điều lệ đã đạt hơn 3.049 tỷ đồng và tổng tài sản đạt hơn 54.000 tỷ đồng…
Nhưng sau đó, ngân hàng này lại cuốn theo cơn lốc thiếu hụt thanh khoản và nợ xấu leo thang. Rồi những kết quả bết bát của Southern Bank được phơi bày dần và ngay trong năm 2014, Southern Bank lãi vẻn vẹn 17 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 4 nghìn tỷ đồng; nợ xấu chiếm gần 6% trong tổng số hơn 43 nghìn tỷ đồng dư nợ. Các cổ đông của ngân hàng này “ôm bụng đói” vì sau khi Southern Bank thực hiện trích lập các quỹ còn lại 1,2 tỷ đồng nên đã không thể chia cổ tức cho cổ đông…
Đến hiện nay, cái tên Southern Bank đã chính thức “biến mất” sau các sự kiện như: Ngày 11/7, đại hội đồng cổ đông bất thường 2015, Sacombank đã thông qua đề án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank. Tiếp đến, kể từ ngày 15/9 Sacombank chính thức được chấp thuận nhận sáp nhập SouthernBank và nhận bàn giao sáp nhập từ ngày 1/10/2015.
Như vậy, cái tên “Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank)” cũng đã bị xóa trên bản đồ hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nhưng những “dấu ấn” của trong quá khứ chắc hẳn vẫn chưa thể xóa nhòa trong một sớm một chiều được.
Bởi sau việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank thì những hậu quả để lại vẫn còn đó. Ngay tại đại hội đồng cổ đông bất thường 2015 của Sacombank ngày 11/7/2015, trong đề án sáp nhập được đại hội đồng cổ đông bất thường 2015 Sacombank công bố cũng chỉ rõ những thách thức lớn mà ngân hàng này phải đối mặt như: năm 2015 Sacombank phải trích lập hơn 1.800 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro, tiếp theo năm 2016 là 3.109 tỷ đồng và năm 2017 là 5.200 tỷ đồng… Đó là những điều hiện hữu đang chưa thể “biến mất” theo cùng cái tên Southern Bank./.
Mai An