Ngày 18/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ diễn ra tại TPHCM. Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Đông Nam bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh và năng động, với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước là 281.100 doanh nghiệp, chiếm 41% số doanh nghiệp cả nước; thu hút 5,4 triệu lao động, chiếm 36,6% tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp. Đây còn là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất, với khoảng 23.000 doanh nghiệp FDI từ gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư, chiếm 41,1% tổng vốn FDI cả nước, lĩnh vực đầu tư chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo với trên 5.300 dự án, chiếm khoảng 60% tổng vốn FDI của vùng. Chỉ riêng trong năm 2022, Đông Nam bộ có hơn 60.000 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 646.000 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 có hơn 31.500 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 287.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Đông Nam bộ có diện tích cây cao su chiếm 63,34% và sản lượng mủ cao su chiếm 73,92%; cây điều chiếm 60,61% diện tích và 71,24% sản lượng; cây hồ tiêu chiếm 33,73% diện tích và 71,24% sản lượng của cả nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mặc dù đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của cả nước nhưng quá trình phát triển vùng Đông Nam bộ đã và đang đối mặt với nhiều thách thức và còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là mạng lưới kết cấu hạ tầng nội vùng và liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ, chênh lệch về phát triển giữa các địa phương trong vùng chưa được rút ngắn; liên kết trong vùng vẫn còn hạn chế, chưa thực chất và hiệu quả… Chính vì vậy, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ việc cần đổi mới cách thức hoạt động, điều phối và phương thức liên kết giữa các địa phương trong vùng nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng, đồng thời phát huy hiệu quả hơn nữa sức mạnh tổng hợp của toàn vùng Đông Nam bộ. Trình bày tham luận về vấn đề thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam bộ, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, dựa trên quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ cần khoảng 738.500 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 342.000 tỷ; giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu khoảng 396.500 tỷ đồng. Nguồn lực nhằm tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa. Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng. Quỹ được hình thành từ vốn ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương và các địa phương), nguồn xã hội hóa và các nguồn khác. Quỹ có nhiệm vụ đầu tư, đảm bảo nguồn vốn cho các dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng (như đầu tư nâng cấp các cảng hàng không, chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tải thủy chính của vùng; nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; phát triển giao thông đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các tuyến đường sắt đô thị, đường cao tốc TPHCM kết nối với các tỉnh...; tài trợ cho các hoạt động quản lý, quản trị, nghiên cứu và nâng cao năng lực quản lý. Việc có được một quỹ đầu tư hạ tầng chung cho toàn vùng với cơ chế mở sẽ thúc đẩy quá trình phát triển và liên kết các địa phương trong vùng đặc biệt là đối với vấn đề hạ tầng, giao thông, một yếu tố mang tính huyết mạch cho sự phát triển và khai thác hết tiềm năng của vùng. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nội dung chính, trong đó nêu rõ, các Bí thư Thành uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ, thành viên Hội đồng vùng cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý, nhiệm vụ phát triển vùng Đông Nam bộ phải gắn với 3 đột phá chiến lược và 3 động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu); phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, đổi mới tư duy trong trong việc vay vốn; cố gắng lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội.
|