发布时间:2025-01-13 14:49:35 来源:VBet88 作者:Cúp C1
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, tiếng Việt đã “bén rễ” tại Italy từ rất sớm. Lãnh sự danh dự Việt Nam tại thành phố Turin, bà Sandra Scagliotti, học giả chuyên nghiên cứu Việt Nam, cho biết khóa học “Ngôn ngữ và văn học Việt Nam” đầu tiên tại Italy được khai giảng vào niên học 1999 - 2000 và kéo dài nhiều năm tại phân khoa Ngoại ngữ và Văn học, Đại học Turin. Theo bà Scagliotti, tính trường tồn của tiếng Việt là một trong những yếu tố quan trọng góp phần bảo tồn nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam.
Gần đây hơn, tiếng Việt đã trở nên ngày càng quen thuộc tại Italy. Có 3 lứa cử nhân tiếng Việt đã tốt nghiệp tại Đại học Ca’Foscari, đánh dấu một mốc quan trọng trong việc giảng dạy và học tập tiếng Việt tại Italy.
Bộ môn tiếng Việt, thuộc Khoa châu Á và Bắc Phi học của trường Ca’ Foscari, có chương trình học tiếng Việt hoàn thiện nhất tại Italy, nơi duy nhất cung cấp cho các em sinh viên những kiến thức cả về lịch sử, văn học, kinh tế, địa chính trị, nghệ thuật và mọi khía cạnh của văn hóa Việt Nam.
Theo cô Lê Thị Bích Hường, giảng viên môn Thực hành tiếng Việt của trường ĐH Ca’Foscari, việc học tiếng Việt có thể giúp các em sinh viên Italy hiểu biết hơn về Việt Nam. Các em sinh viên Italy rất ham học tập và nghiên cứu, đọc rất nhiều sách.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, cô Lê Thị Bích Hường cho biết Tiếng Việt và văn hóa là hai yếu tố không thể tách rời nhau. Trong suốt những năm vừa qua, cô luôn luôn cố gắng tạo điều kiện cho các sinh viên học tiếng Việt trong những bối cảnh văn hóa Việt Nam, học qua văn học Việt Nam, qua Truyện Kiều của Nguyễn Du, qua những bài thơ của Nguyễn Bính, của Hồ Xuân Hương, và qua cả các làn điệu dân ca ba miền của Việt Nam. Các sinh viên của cô đã có thể dựng những vở kịch nhỏ hay đóng Truyện Kiều, dịch những bài thơ sang tiếng Italy, chuyển tải những bài hát của quan họ lên Youtube để có thể giới thiệu những nét hay, nét đẹp của dân ca Việt Nam.
Mới đây nhất, hồi đầu tháng 6 vừa qua, sinh viên bộ môn tiếng Việt trường ĐH Ca’Foscari đã tổ chức sự kiện “Hồn Việt” phiên bản hai để quảng bá văn hóa Việt Nam. Khác với chủ đề của Sự kiện Hồn Việt phiên bản 1 (tháng 2/2022) là về nghệ thuật cổ truyền dân gian như quan họ, chèo, cải lương và phong trào Thơ mới, chủ đề chính của Sự kiện Hồn Việt phiên bản 2 là Truyền thống Trà Việt Nam.
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, cô Lê Thị Bích Hường đã hướng dẫn các sinh viên nghiên cứu về truyền thống trà ở Việt Nam, nôi trà từ nghìn năm lịch sử, với những đặc điểm, nét tinh tế riêng, khác trà đạo của Nhật Bản hay Trung Hoa.
Chương trình đã được mở màn với tiết mục múa kịch truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, giới thiệu về sự ra đời của 54 dân tộc Việt Nam và tiếp đó là phần giới thiệu về truyền thống Trà Việt nói chung và truyền thống trà của các dân tộc thiểu số nói riêng. Phần giới thiệu Trà Việt đã được mở màn bằng tiết mục Quan họ cổ “Mời nước, mời trầu”, bài hát mà hầu như tất cả các nhà nghiên cứu khi trình bày bằng chứng về sự hiện hữu lâu đời của Trà Việt đều nhắc đến và là biểu tượng cho lòng hiếu khách của người Kinh Bắc nói riêng và người Việt Nam nói chung.
Sau đó, các em sinh viên đã trình bày kết quả nghiên cứu của mình về truyền thống uống trà của các dân tộc Việt Nam (người Kinh và ở 8 dân tộc thiểu số như H'Mông, Giáy, Cờ Lao, Cao Lan, Thái, Hà nhì, Ê đê). Các sinh viên Italy đã thể hiện sự hào hứng khi giới thiệu những kiến thức này. Em Martina Piana chia sẻ: “Em coi trải nghiệm này là một hành trình đắm mình trong văn hóa Việt Nam, đặc biệt là truyền thống trà, chủ đề mà chúng em đã dành nhiều thời gian tìm hiểu. Trong sự kiện này, em và các bạn đã mở rộng trái tim và tâm trí để đón nhận một nền văn hóa tràn đầy sự tôn trọng, tinh tế, và những truyền thống dù đã rất lâu đời, vẫn đủ sức để làm ấm lòng những thế hệ mới. Tất cả những giá trị này, như cô giáo Hường đã cho chúng em thấy, thể hiện ngay cả trong những điều đơn giản nhất của việc thưởng trà. Đây là một nghi thức mà từng cử chỉ đều mang tính thanh lịch và cuối cùng là thể hiện sự tôn trọng và kết nối sâu sắc với những người cùng uống trà hay thưởng trà với mình”.
Việc giới thiệu trà ở các dân tộc được minh họa bằng các tiết mục múa hát hay những đặc điểm phong tục tập quán của các dân tộc đó. Ví dụ khi nói đến Trà cung đình Huế thì có điệu múa cung đình do các hội viên của Hiệp hội Nhịp cầu Văn hóa Italy - Việt Nam của thành phố Bologna trình diễn, hay khi nói đến phong tục trà của người Thái thì có bài hát "Chiếc khăn Piêu" hay những phong tục tập quán khác.
Việc nghiên cứu về phong tục uống trà ở các dân tộc thiểu số là điều rất thú vị đối với các em. Em Mariunzia Cimarosa, sinh viên năm thứ hai, chia sẻ: “Em đã có cơ hội tìm hiểu sâu và chia sẻ kiến thức của mình về truyền thống, phong tục tập quán của Việt Nam. Đặc biệt là truyền thống trà của nhiều dân tộc thiểu số mà em thấy vô cùng hấp dẫn và em cũng rất hân hạnh được trình bày về các truyền thống trà của các dân tộc này”.
相关文章
随便看看