Ngày 10/6, Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước để quán triệt thi hành Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính được Quốc hội khoá VIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 11/2015).(CMO-MP) Ngày 10/6, Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước để quán triệt thi hành Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính được Quốc hội khoá VIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 11/2015). Bộ luật Dân sự (gồm 6 phần, 27 chương, 689 điều) có nhiều đổi mới về nhận thức, tư duy pháp lý trong việc hoàn thiện cơ chế điều chỉnh quan hệ dân sự, bảo đảm quyền dân sự về nhân thân, tài sản cá nhân, pháp nhân…, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phục vụ hội nhập quốc tế. Bộ luật Tố tụng dân sự (gồm 10 phần, 42 chương, 517 điều) là thể chế chiến lược cải cách tư pháp, đổi mới, cải cách thủ tục tố tụng dân sự theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, kịp thời. Luật Tố tụng hành chính (gồm 13 chương, 372 điều) là một trong những luật quan trọng về tố tụng theo tinh thần Hiến pháp mới. Đây cũng là đạo luật trực tiếp liên quan đến tổ chức và hoạt động của Toà án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân, nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc nắm bắt những điểm mới của luật là hết sức cần thiết đối với cán bộ, công chức, viên chức Toà án Nhân dân. Hội nghị nhằm xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm cũng như cơ chế phối hợp từ Trung ương đến địa phương trong việc tổ chức triển khai thi hành pháp luật dân sự, đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả./. |