Vạch khó khăn tìm cơ hội vàng Đơn hàng bị hủy, container tồn tại cảng, biên giới đóng cửa… là một trong muôn vàn khó khăn mà các doanh nghiệp logistics phải đối mặt khi “cơn bão” Covid-19 ập đến. Tuy vậy, đi ngược lại với những tác động khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, nhiều doanh nghiệp logistics đã “ngược dòng” thành công nhờ vào thực lực và những chiến lược thông minh, tận dụng những điểm mạnh của mình, chiếm lĩnh thị phần, khẳng định vị trí. Nửa đầu năm 2020, Công ty Cổ phần Logistics Vinalink ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất tăng 33,24% với mức doanh thu đạt hơn 602 tỷ đồng, nhờ đó mức lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đã có mức tăng trưởng hơn 31% (đạt hơn 15 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm 2019, doanh thu thuần hợp nhất của Công ty đã tăng hơn 150 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất cũng đã tăng gần 3,6 tỷ đồng (tăng 31,28%). Năm 2020, Vinalink đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 850 tỷ đồng và lãi trước thuế là 20 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý 2, Vinalink ghi nhận tổng tài sản gần 396 tỷ đồng, tăng 16% so với con số đầu năm. Đây là những con số khá ấn tượng đối với một doanh nghiệp logistics trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang tác động mạnh đến ngành logistics. Là một ông lớn trong ngành logistics, Công ty Cổ phần Gemadept (GMD) cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 7 tháng đầu năm với doanh thu thuần 1.416 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 348 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 260 tỷ đồng. Riêng về lĩnh vực logistics, lũy kế lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm có mức tăng trưởng 144% so với cùng kỳ. Trong đó một số đơn vị thành viên có kết quả kinh doanh ấn tượng, như Mekong Logistics đạt lợi nhuận trước thuế vượt 8% so với kế hoạch. Đáng chú ý, dù bị tác động bởi dịch Covid-19 nhưng trong quý 2, CJ GMD Logistics đã chính thức vận hành trung tâm phân phối đầu tiên tại Đà Nẵng. Đây là một trong nhiều dự án nằm trong chiến lược mở rộng mạng lưới và quy mô của hoạt động logistics năm 2020. Cũng có được những kết quả khả quan, 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An đạt 541,8 tỷ đồng, trong đó vận tải biển là động lực tăng trưởng chính của doanh nghiệp này với doanh thu đạt 434,0 tỷ đồng, tăng 7,7%. Trong nửa đầu năm 2020, HAH đã thực hiện được 128 chuyến tàu nội địa và quốc tế, tăng 25,5%, nhờ tàu HAIAN MIND hoạt động toàn thời gian (nửa đầu năm 2019 chỉ hoạt động từ tháng 6) và được hỗ trợ nguồn hàng hóa ổn định đến từ khách hàng. Cơ hội để tái cơ cấu doanh nghiệp Đánh giá về nguyên nhân có được kết quả khả quan trên, ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vinalink cho biết, Covid-19 làm gián đoạn hoạt động giao nhận vận tải khiến cho giá cước tăng cao 3 đến 4 lần. Doanh thu thuần của Công ty tăng chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm giá cước vận chuyển bằng đường hàng không tăng cao. Lợi nhuận sau thuế tăng chủ yếu do dịch vụ vận chuyển quốc tế bằng đường biển và dịch vụ hỗ trợ tăng. Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinalink cho rằng, dịch Covid-19 cũng tạo ra cơ hội. Vinalink đã có những cơ hội khác như đối với mảng hàng không trong những tháng gần đây, Công ty đang khai thác thêm mảng dịch vụ y tế và có kết quả tốt trước mắt. Việc xuất 80-90 tấn hàng dịch vụ y tế sang châu Âu đã giúp bù lại những mảng khác bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Công ty Cổ phần Container Việt Nam (Viconship) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 113 tỷ đồng, tăng hơn 29,7 tỷ đồng (tương đương 36%) so với cùng kỳ năm 2019. Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng giám đốc Viconship, 6 tháng đầu năm nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lượng tàu phải chuyển ra cảng ngoài giảm đã góp phần tiết kiệm và giảm thiểu chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lãi vay phải trả ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020 đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước (giảm gần 9 tỷ đồng) do Viconship đã trả gần hết nợ vay ngân hàng cũng là nguyên nhân chủ yếu làm cho lợi nhuận sau thuế của Viconship 6 tháng đầu năm tăng 29,7 tỷ đồng, tương ứng với tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Nhận định về hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2020, Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) cho rằng, dịch Covid-19 có thể là cơ hội để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế bằng các chính sách phát triển bền vững và lâu dài hơn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, là cơ hội tốt để khẳng định vị trí của doanh nghiệp. Tuy nhiên năm 2020 vẫn là một năm khó khăn đối với thị trường cảng biển tại khu vực Hải Phòng do dư thừa nguồn cung cảng biển và xu hướng chuyển dịch sang phía hạ nguồn sông của các hãng tàu lớn. Hoạt động vận tải cũng sẽ rất khó khăn do phải sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp (dưới 0,5%) với đơn giá rất cao (dự kiến giá bình quân là 550 USD/tấn) tăng khoảng 30%. Chính vì cả những khó khăn và thuận lợi trên, năm 2020 Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An đặt mục tiêu kinh doanh năm 2020 dự tính doanh thu đạt 1.370 tỷ đồng tăng thêm 21% so với 2019, lợi nhuận sau thuế 120 tỷ đồng tương đương kết quả thực hiện của năm ngoái. Đặc biệt, để hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics gồm vận tải biển, cảng biển, kho bãi, trong quý 2, HAH đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 2 Trung tâm Logistics Pan Hải An (tổng diện tích 15,4 ha), điều này được đánh giá là giúp HAH khẳng định được vị thế của mình trong ngành logistics cũng như hoàn thiện hơn những dự định trong tương lai của doanh nghiệp. |