Chia sẻ với phóng viên TBTCO về sản xuất sạch và an toàn thực phẩm, GS.TS Ngô Thế Dân - Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam cho biết, thời gian qua mặc dù hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ để phục vụ quản lý ATTP, nhưng công tác thực hiện vẫn bộc lộ những tồn tại và yếu kém.
"Theo đánh giá của Đoàn Giám sát của Quốc hội, vấn đề ATTP ở nước ta thời gian qua có lúc, có nơi đã đến giới hạn đỏ - báo động. Đồng thời, theo báo cáo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nguy cơ cao gây mất ATTP tập trung chủ yếu trên các loại nông sản thực phẩm chính có trong bữa ăn hàng ngày của người dân như: rau, củ, quả tươi, thịt, cá…" - ông Dân nói.
Cụ thể, đối với nhóm thực phẩm nguồn gốc thực vật nguy cơ cao tập trung trên rau, củ, quả tươi với nguyên nhân chính là do việc lạm dụng hoá chất bảo vệ thực vật. Kết quả của Chương trình giám sát quốc gia cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2016, tỷ lệ mẫu rau, củ, quả tươi và sơ chế có tồn dư hoá chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47%, trong đó tỷ lệ mẫu có chất cấm là 0,34%.
Đối với sản phẩm chăn nuôi, nguy cơ mất ATTP chủ yếu do việc sử dụng hoá chất, chất cấm và nhiễm vi sinh vật. Tỷ lệ mẫu thịt tươi các loại có tồn dư hoá chất vượt ngưỡng cho phép là 1,59%, tỷ lệ mẫu có chất cấm là 1,27%. Ngoài ra, do không đảm bảo các điều kiện giết mổ, tỷ lệ mẫu thịt bị nhiễm vi sinh vật vượt mức cho phép rất cao trên 19%.
Đối với thuỷ sản, sử dụng các chất cấm và nhiễm vi sinh vật là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ gây mất ATTP. Kết quả kiểm nghiệm giai đoạn 2011- 2016 cho thấy tỷ lệ mẫu thuỷ sản chứa chất cấm là 1,82%; tỷ lệ mẫu nhiễm vi sinh vật trên 4%.
Để nâng cao chất lượng ATTP, ông Dân cho rằng, thời gian tới cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác quản lý ATTP trên từng địa bàn; phối hợp tốt với các đoàn thể chính trị, xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát để đảm bảo ATTP;
Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, tính răn đe trong công tác thanh, kiểm tra ATTP;
Đặc biệt, ưu tiên công tác đào tạo nguồn nhân lực trong công tác quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về lĩnh vực ATTP.
Nông nghiệp sạch là “nông sản an toàn được sản xuất tại các cơ sở sản xuất kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm; ứng dụng công nghệ cao hoặc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt” |
Phúc Nguyên