Chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn Trong lĩnh vực quản lý, điều hành ngân sách nhà nước (NSNN), năm 2018, kết quả thực hiện thu NSNN vượt kế hoạch đề ra. Tổng thu NSNN thực hiện đạt 1.424,9 nghìn tỷ đồng, vượt 105,7 nghìn tỷ đồng (8%) so với dự toán. Tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 25,7% GDP, riêng thuế và phí là 21,1% GDP (mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 tương ứng là 23,5% GDP và 21% GDP). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu NSNN; kết hợp khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế đồng thời đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra... Cụ thể, cơ quan thuế đã triển khai thí điểm khai thuế theo phương thức điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà, chuyển nhượng bất động sản của người nộp thuế không phải là doanh nghiệp; hoàn thiện xây dựng ứng dụng quản lý lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy, thực hiện kết nối giữa Tổng cục Thuế với Cục Cảnh sát giao thông, giữa Tổng cục Thuế và Cục Đăng kiểm Việt Nam; tiếp tục triển khai thí điểm, dần dần mở rộng thực hiện nộp thuế điện tử đối với cá nhân kinh doanh thông qua tổ chức nhận ủy nhiệm thu thuế. Về chi, công tác quản lý chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Cơ cấu chi NSNN chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt 28,8% (mục tiêu là 25 - 26%), chi thường xuyên còn dưới 62% tổng chi NSNN (mục tiêu là dưới 64%). Một số bộ, ngành, địa phương báo cáo tiết kiệm được kinh phí tổ chức hội thảo, hội nghị lớn như: Bảo hiểm xã hội Việt Nam (20,6 tỷ đồng); Bộ Ngoại giao (9,1 tỷ đồng); Bộ Thông tin và Truyền thông (11,2 tỷ đồng); Bộ Tài chính (60,6 tỷ đồng); Bình Dương (8,8 tỷ đồng); Lâm Đồng (6,6 tỷ đồng),… Dự phòng ngân sách các cấp được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định; trong đó ngân sách trung ương đã sử dụng trên 2,5 nghìn tỷ đồng dự phòng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai. Lãi suất phát hành TPCP còn bình quân 4,73% Bộ Tài chính đã tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách, pháp luật về quản lý chi NSNN, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và tiết kiệm NSNN; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kịp thời phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, gây thất thu, thất thoát, lãng phí tiền, tài sản, NSNN. Về quản lý nợ công, năm 2018, Chính phủ đã ban hành 7 nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Quản lý nợ công, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nợ công chặt chẽ, hiệu quả. Các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép, góp phần quan trọng cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, giảm chi phí huy động vốn nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp. Công tác trả nợ được tổ chức thực hiện chặt chẽ, đầy đủ, đúng hạn theo cam kết; tiếp tục cơ cấu lại nợ chính phủ theo hướng huy động vốn vay trong nước đóng vai trò chủ đạo, tăng tỷ trọng vay trung, dài hạn với lãi suất phù hợp. Công tác huy động vốn trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng đạt kết quả tích cực. 100% TPCP phát hành có kỳ hạn 5 năm trở lên, trong đó khối lượng TPCP kỳ hạn 10 - 30 năm chiếm trên 90%; lãi suất phát hành bình quân TPCP giảm từ mức 5,98% năm 2017 xuống còn khoảng 4,73% cuối năm 2018, góp phần giảm áp lực trả lãi của NSNN. Cơ cấu nhà đầu tư TPCP được cải thiện. Theo đó, tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại tại thị trường sơ cấp và thứ cấp giảm xuống mức tương ứng là 26,5% và 46,5% (giai đoạn 2011 - 2015 gần 80% TPCP được nắm giữ bởi các ngân hàng thương mại). Cắt giảm 100% lễ động thổ, khởi công, khánh thành Bên cạnh những mặt tích cực đó, Chính phủ cũng đánh giá công tác quản lý NSNN còn tồn tại, hạn chế. Công tác thu NSNN ở 2 địa phương không đạt dự toán chủ yếu do nguyên nhân khách quan. Công tác chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, gian lận trong hoàn thuế, xử lý thu hồi nợ đọng thuế đã có những chuyển biến tích cực, song chưa đạt kết quả như mong muốn; do nhiều nguyên nhân nên số thuế nợ đọng còn lớn chủ yếu là các khoản nợ không còn khả năng thu hồi và các khoản tiền phạt, tiền chậm nộp chiếm tới 69,3% tổng số tiền thuế nợ… Việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi của Chính phủ được điều chỉnh đồng thời bởi 3 luật (Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công, Luật NSNN) và các thỏa thuận vay với nhà tài trợ. Do vậy, trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay vẫn có độ trễ trong việc thực hiện các Luật, giữa các khâu tổ chức, triển khai thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Chính phủ. Để đẩy mạnh công tác THTK, CLP năm 2019, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp đi cùng với chỉ tiêu cụ thể. Theo đó, tiếp tục thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa - NSNN; bảo đảm chi NSNN tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được Quốc hội thông qua. Thực hiện tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên của NSNN 10%. Giảm tần suất và thắt chặt các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, công tác phí, chi tiếp khách, khánh tiết tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; phấn đấu tiết kiệm 12% so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; phấn đấu tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các chương trình mục tiêu quốc gia; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng của địa phương.
H.Y |