Trong những năm qua, nhờ thụ hưởng nhiều chính sách chăm lo của Ðảng và Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer trên địa bàn huyện Ðầm Dơi có nhiều thay đổi.Trong những năm qua, nhờ thụ hưởng nhiều chính sách chăm lo của Ðảng và Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer trên địa bàn huyện Ðầm Dơi có nhiều thay đổi. Huyện Ðầm Dơi có 1.827 hộ dân tộc Khmer, chiếm 4,21%. Ða số hộ Khmer có đời sống khó khăn, thời gian qua, huyện chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc để giúp bà con từng bước vươn lên. Với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cùng nguồn nội lực ở địa phương, đến nay các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống như: Thanh Tùng, Trần Phán, Ngọc Chánh, Tân Duyệt, Tân Thuận... đều được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là lộ nông thôn, xe 2 bánh đi lại thuận tiện, tạo điều kiện cho bà con giao thương phát triển kinh tế.
Chuyển đổi cơ cấu sản suất, chuyển đổi ngành nghề, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được bà con áp dụng tích cực, từ đó xuất hiện ngày càng nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Việc xây dựng nông thôn mới đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần nâng cao mức sống của đồng bào Khmer. Hằng năm, vào dịp hè, các xã Thanh Tùng, Tân Duyệt, Ngọc Chánh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức lớp học tiếng Khmer hè cho con em dân tộc nhằm bảo tồn, phát huy chữ viết, tiếng nói của bà con. Huyện đã phối hợp với Ban Dân tộc, HÐND tỉnh xây dựng hoàn thành 4 salatel ở ấp Tân Ðiền (xã Thanh Tùng), ấp Hiệp Hoà (xã Ngọc Chánh), ấp Tân Hoà (xã Trần Phán) và ấp Ðồng Tâm A (xã Tân Duyệt), đồng thời khởi công xây dựng 1 salatel ở ấp Nhà Cũ (xã Quách Phẩm Bắc), dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2016. Có được các salatel, mỗi dịp lễ hội, bà con Khmer trong ấp, xã hay các ấp, xã lân cận đến rất đông để thắp nhang cầu nguyện và tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Từ các chủ trương của Ðảng và Nhà nước, các vùng đồng bào Khmer trong huyện có sự đổi thay đáng kể trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. “Huyện đã xác định, hỗ trợ đất ở cho bà con dân tộc thì mới giải quyết một phần khó khăn. Vì thế, huyện đã chọn giải pháp căn cơ, lâu dài là vừa cấp đất ở, vừa cấp đất sản xuất cộng với nhiều nguồn hỗ trợ khác như: vốn, giống, khoa học - kỹ thuật cho bà con, có như vậy mới đẩy nhanh công tác xoá nghèo trong đồng bào dân tộc”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi Tạ Thanh Vũ chia sẻ. Thực hiện Quyết định số 74/2008/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng ÐBSCL giai đoạn 2008-2013, huyện Ðầm Dơi đã tổ chức giao đất ở, đất sản xuất cho 41 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã: Nguyễn Huân, Tân Tiến, Quách Phẩm, Thanh Tùng, Ngọc Chánh. Diện tích đất được giao là 136.897,3 m2; trong đó đất ở 7.800 m2, đất trồng cây lâu năm 21.800 m2, đất nuôi thuỷ sản 81.500 m2, đất bố trí đường nước xổ phục vụ sản xuất 25.797,3 m2. Trước đây, gia đình anh Thạch Văn Bời, ấp Hiệp Hoà Tây, xã Ngọc Chánh được Nhà nước giao một nền để cất nhà ở. Gia đình anh có 6 khẩu, nhưng chỉ có 2 lao động chính. Do không đất sản xuất, lại không nghề nghiệp nên vợ chồng anh đi làm mướn quanh năm, vậy mà cái nghèo vẫn luôn đeo bám. Tháng 4/2016, gia đình anh được huyện cấp gần 5.000 m2 đất ở, đất sản xuất. Ngoài ra, anh còn được hỗ trợ 30.000 con tôm giống, 500 con cua giống. Sản xuất hiệu quả, hiện gia đình anh đã cất được nhà, xung quanh nhà trồng thêm hoa màu. Dù cuộc sống hiện tại chưa thuộc diện thoát nghèo, nhưng gia đình anh không còn phải lo chạy cái ăn, cái mặc như trước nữa. “Ðược Nhà nước hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đã làm thay đổi cuộc sống gia đình tôi. Chúng tôi rất biết ơn Ðảng, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho chúng tôi. Gia đình quyết tâm phát triển sản xuất để thoát nghèo trong thời gian tới", anh Bời phấn khởi cho biết. Hay trường hợp của anh Lý Văn Chinh, trước đây cất nhà ở tạm trên phần đất của người thân ở ấp Tân Ðiền, năm 2016 được cấp 3.700 m2 đất ở ấp Cái Ngay, xã Thanh Tùng. Trong đó, có 700 m2 để cất nhà, 3.000 m2 đất sản xuất. Ðến nay, gia đình đã cất nhà, ổn định sản xuất. Về nơi ở mới, hằng ngày anh đi sên đất mướn, vợ đi đào chem chép để bán, thu nhập mỗi ngày hơn 250.000 đồng. “Có đất sản xuất, có điện, nước sinh hoạt đầy đủ, 2 đứa con đều được đến trường, gia đình rất mừng. Thời gian tới, gia đình sẽ bơm đất, tôn cao khoảng sân trước nhà để trồng hoa màu, cây ăn trái, quyết tâm vượt qua cái nghèo”, anh Lý Văn Chinh chia sẻ. “Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết bà con được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đã cất nhà, tác động vào sản xuất, bước đầu có hiệu quả, ổn định được cuộc sống. 41 hộ này cơ bản có hướng thoát nghèo trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi Tạ Thanh Vũ thông tin. Ngoài ra, huyện còn phân khai vốn thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn năm 2016 theo Quyết định 102/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã giải ngân cho hộ nghèo 5 xã khu vực III thuộc Chương trình 135 (Thanh Tùng, Ngọc Chánh, Quách Phẩm Bắc, Trần Phán, Tân Duyệt), 4 xã khu vực II thuộc vùng khó khăn (Tạ An Khương, Tạ An Khương Ðông, Tân Thuận, Tân Tiến) với tổng số 4.526 hộ, số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Dù đã có nhiều giải pháp giúp đồng bào dân tộc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, song, xét về tổng thể, hiện toàn huyện Ðầm Dơi có 1.827 hộ đồng bào dân tộc Khmer thì đã có 877 hộ nghèo, chiếm 28,4%; 111 hộ cận nghèo, chiếm 5,8%. Nghị quyết năm 2016 và những năm tiếp theo, Huyện uỷ Ðầm Dơi đề ra mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong huyện từ 1,5-2%. “Huyện Ðầm Dơi sẽ thực hiện phối, kết hợp các chương trình, dự án giúp hộ nghèo tư liệu sản xuất, thay đổi ngành nghề, hỗ trợ sản xuất và gắn kết phát triển nông thôn mới. Làm thế nào đến cuối năm thực hiện giảm nghèo cho đồng bào dân tộc nói riêng và đồng bào ở huyện nói chung đạt từ 1-2%”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi Tạ Thanh Vũ nói./. Bài và ảnh: Trần Chiến |