(CMO) Cà Mau có nhiều điểm di tích lịch sử lưu dấu ấn quan trọng trong quá trình khai hoang mở cõi, đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của người dân nơi cuối trời Tổ quốc. Tuy nhiên, hầu hết các điểm di tích đều là phế tích, cho nên việc xét công nhận cũng như xây dựng các công trình văn hoá gặp không ít khó khăn.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 39 di tích lịch sử (DTLS) được xếp hạng, trong đó có 11 di tích quốc gia và 28 di tích cấp tỉnh. Các DTLS được xếp hạng đã được UBND tỉnh ra quyết định phân cấp, giao trách nhiệm cho các ngành tỉnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan, UBND các huyện, TP. Cà Mau quản lý, bảo vệ… Song, công tác quy hoạch hệ thống di tích chưa được thực hiện, từ đó các di tích còn rời rạc, thiếu liên kết, đầu tư tôn tạo, phục dựng và chưa phát huy tương xứng với tiềm năng, giá trị vốn có.
Cần nhận thức toàn diện
Nâng cao hiệu quả quản lý để phát huy giá trị di tích, năm 2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 15/2015/QĐ-UBND về “Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh”. Tiếp đó, năm 2016 HĐND tỉnh cũng đã có Nghị quyết số 02 về “Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách” và Nghị quyết số 03, về “Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách”…
DTLS cấp quốc gia địa điểm chứng tích tội ác Mỹ - nguỵ ở Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng, đã được san lấp mặt bằng với diện tích trên 30 ha, có thể vận động xã hội hoá để phát triển du lịch nhà vườn. |
Tuy đã có sự phân cấp quản lý và những quy định cụ thể nguồn kinh phí phân bổ cho hoạt động ở lĩnh vực này, nhưng hiện tại nhiều huyện chưa thành lập bộ phận quản lý di tích mà chỉ giao cho công chức cấp xã hoặc người địa phương chăm sóc, bảo vệ (chủ yếu là làm nhiệm vụ trông coi, quét dọn), chưa quan tâm việc báo cáo, kiến nghị, đề xuất các giải pháp bảo vệ, tôn tạo, nâng cấp di tích cũng như đề xuất các giải pháp để phát huy. Từ đó, nhiều nơi còn lúng túng trong việc lập dự toán phân bổ ngân sách cho công tác duy tu, sửa chữa các khu di tích hằng năm do cấp mình quản lý.
Mặt khác, đến thời điểm này trong 39 DTLS đã được công nhận chỉ có 1 di tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hầu hết các di tích đều chưa được cặm mốc, khoanh vùng bảo vệ theo quy định (trong đó có một số di tích mới chỉ xác định địa điểm, chưa thực hiện việc thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng), lại cũng có di tích vẫn còn tranh chấp đất với các hộ dân sinh sống, buôn bán trong khu vực đã quy hoạch di tích. Điển hình như di tích Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, đến thời điểm này còn 4 hộ chưa thoả thuận đền bù được…
Nên chăng chỉ xét các di tích trọng điểm
Hiện tại, ngoài 39 DTLS đã được công nhận, trên địa bàn tỉnh có 3 địa điểm được đề nghị xếp hạng di tích quốc gia, 57 địa điểm đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh và 57 địa điểm được đề nghị bảo tồn. Và, khi đã được công nhận DTLS thì phải có kế hoạch tôn tạo, trùng tu, xây dựng các công trình văn hoá để phát huy giá trị. Song, kinh phí hằng năm phân bổ cho lĩnh vực này chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, vì thế đa số DTLS chưa được hoàn thiện, còn chậm tiến độ thi công, như điểm chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là đã khởi công vào tháng 11/2013, đến nay vẫn chưa được triển khai. Xứ uỷ Nam Bộ Trung ương Cục miền Nam có 29 điểm được khoanh vùng bảo vệ, trong đó có điểm trung tâm tại xã Trí Lực, đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện…
Thiếu các dịch vụ giải trí, DTLS căn cứ Tỉnh uỷ chưa thu hút khách tham quan. |
Mặt khác, khi đã được công nhận DTLS thì việc tác động đến di tích (dù chỉ là sửa chữa nhỏ) thì cũng phải có ý kiến của cơ quan ra quyết định nhận. Vì vậy, đã qua không ít điểm DTLS (nhất là những di tích đình, miếu) đã vận động xã hội hoá tự ý sửa chữa nóc mái, hàng rào… là sai quy định. Thậm chí, Ban Quản lý di tích tỉnh muốn sơn lại màu sắc của di tích cấp quốc gia cũng phải có ý kiến cho phép của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch…
Bên cạnh đó, nhiều di tích hiện chưa thu hút khách đến tham quan, bởi thiếu những hiện vật, hình ảnh minh hoạ cũng như hướng dẫn viên giới thiệu tóm lượt lịch sử di tích. Theo ông Dương Minh Vĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau, trước đây việc sưu tầm, tìm lại tư liệu, hình ảnh phục vụ di tích chủ yếu người dân hiến tặng, còn bây giờ mọi thứ thường phải mua mà đơn vị chức năng lại không có kinh phí cho khoản này.
“Hướng dẫn viên thì đòi hỏi phải có đại học văn hoá và năng khiếu thuyết trình mà việc đào tạo không dễ. Dẫu rằng tỉnh cũng đã xem xét chính sách đãi ngộ cho con em địa phương đang theo học tại trường Đại học Văn hoá TP. Hồ Chí Minh, nhưng rất ít em chịu theo đuổi. Trong khi, hiện tại chỉ có nhân viên thuộc Ban Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh có chuyên môn, còn ở huyện thì người có chuyên ngành về lĩnh vực này rất hiếm và xuống tới xã thì có chỉ có một công chức phụ trách văn hoá nhưng phải lo tất tần tật mọi thứ”, ông Vĩnh cho biết.
Những bất cập và khó khăn đặt ra, có ý kiến cho rằng, thời gian tới, tỉnh cần xét chọn những di tích mang tính trọng điểm, còn lại thì công nhận điểm lịch sử cách mạng, khi đó việc đầu tư sẽ ít tốn kém hơn và công tác quản lý cũng dễ dàng cho địa phương.
Gắn với dịch vụ và du lịch
Tuy có những khó khăn nhất định, nhưng đã qua một số DTLS được các đơn vị phối hợp tổ chức các hoạt động ngoại khoá, nói chuyện chuyên đề, hoạt động về nguồn… góp phần tuyên truyền các sự kiện lịch sử, truyền thống cách mạng cho thanh niên và quần chúng nhân dân.
Thế nhưng, để khai thác tốt tiềm năng và giá trị vốn có của DTLS, ngành chức năng và địa phương sớm thực hiện việc quy hoạchhệ thống di tích trên địa bàn, đầu tư phát triển di tích có giá trị văn hoá, trong đó có DTLS Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi, sớm hoàn thành DTLS địa điểm chứng tích tội ác Mỹ - nguỵ ở Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng… Đồng thời, tỉnh cần có cơ chế thoáng hơn trong việc vận động xã hội hoá các dịch vụ và du lịch ở các điểm DTLS có điều kiện thuận lợi như: Căn cứ Tỉnh uỷ (ấp Xẻo Đước, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân) kết hợp với tham quan thắng cảnh đầm Thị Tường. Trung tâm Chỉ huy Kế hoạch phản gián CM12 kết hợp với tham quan thắng cảnh di tích lịch sử Hòn Đá Bạc, Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng gắn với du lịch nhà vườn…
Tỉnh cần đặc biệt quan tâm đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích ở địa phương, sớm khắc phục tình trạng “Ngày thường thì bỏ phế, khi có đoàn đến tham quan vào các dịp lễ, Tết… thì mới tổ chức lực lượng dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên di tích…” như nhận xét của Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Cà Mau Lê Minh Sơn./.
Mỹ Pha