Tình yêu chân thành của ông Lý và bà Viết đã vượt qua tất cả
Đến ấp Tân Hà,ượtlecircnnỗiđkqbong ro xã Tân Tiến, hỏi thăm gia đình ông Phạm Xuân Lý hầu như ai cũng biết, bởi ông là người khuyết tật làm kinh tế giỏi và tham gia tích cực các hoạt động xã hội. Sinh ra tại xã Kỳ Hợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, năm 1979 trong lúc làm rẫy không may cuốc phải bom bi của Mỹ còn sót lại sau chiến tranh, ông Lý bị thương nặng, mất cánh tay phải, hỏng mắt phải và tai phải. Cuộc sống tưởng như không còn lối thoát, nhưng những lúc tĩnh tâm ông luôn suy nghĩ phải nỗ lực vươn lên, không thể trông chờ, ỷ lại vào người khác. Vì vậy, ông tập làm mọi việc bằng tay trái, kể cả công việc nặng nhọc, như cuốc đất, phát rẫy, vác cây...
Câu chuyện tình yêu của ông với người con gái cùng quê - bà Trần Thị Viết rất cảm động. Bà Viết nhớ lại: “Lúc đầu tôi cũng ngại và không tự tin để sánh bước cùng anh ra đường. Trải qua thời gian dài, tình yêu dành cho anh đã khiến tôi bất chấp mọi cái nhìn thị phi của dư luận, quan trọng hơn cả là chúng tôi cảm thấy mình hạnh phúc”. Năm 1985, ông Lý và bà Viết làm đám cưới; 1 năm sau sinh được con gái đầu lòng. Tuy chăm chỉ lao động nhưng cuộc sống gia đình vẫn không khá lên. Khi con gái 2 tuổi, gia đình ông chuyển vào Bình Phước lập nghiệp và an cư tại ấp Tân Hà, xã Tân Tiến. Sau khi cất căn nhà tạm để ở trên mảnh đất mượn của bà con, vợ chồng ông nhận khoán xạc băng cho Nông trường cao su Tân Lập. Do sức khỏe yếu nên mỗi công lao động cả 2 vợ chồng chỉ mua được 5kg gạo. Năm 1991, ông vay thêm mua 1 ha điều non, làm ăn tích cóp và mở rộng diện tích. đến nay gia đình ông đã có 4,5 ha cao su hơn 10 năm. Trong sản xuất, ông luôn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc cao su nên sản lượng mủ đạt cao. Những năm giá mủ cao cho thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Năm 2009, ông xây dựng căn nhà khang trang trị giá 300 triệu đồng.
Gia đình ông luôn tham gia đầy đủ các lớp khuyến nông do xã, huyện tổ chức và học hỏi kinh nghiệm từ những cách làm kinh tế hiệu quả. Tranh thủ lúc rảnh rỗi vợ chồng ông còn chăn nuôi thêm gà, vịt để cải thiện bữa ăn và tăng thu nhập. Vài năm trở lại đây, cao su rớt giá nhưng gia đình ông cũng cho thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Kinh tế ổn định, ông đầu tư cho các con ăn học. Hiện con gái đầu tốt nghiệp đại học, đã lập gia đình và làm việc tại Điện lực Đồng Xoài. Con trai thứ 2 (SN1990), học nghề sửa chữa ôtô, xe máy đang mở tiệm tại Đồng Phú. Con gái thứ 3 (SN1992) đã lập gia đình và con trai út (SN1994) đều làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú.
Năm 2001, ông tham gia Hội Người mù huyện Đồng Phú. được gặp gỡ và chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ, tinh thần ông phấn chấn hơn và tham gia tích cực các phong trào do hội phát động. Năm 2015, ông được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Hội Người mù huyện. Trong công việc ông luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, được UBND huyện Đồng Phú, Tỉnh hội tặng nhiều giấy khen.
Dù phải chịu nhiều nỗi đau thể xác nhưng ông Lý không cam chịu số phận. Bằng những hành động thiết thực, ông đã tạo dựng cuộc sống đủ đầy với một gia đình hạnh phúc và tham gia tích cực các hoạt động xã hội. Ông là gương sáng về ý chí và nghị lực vượt qua khiếm khuyết bản thân để vươn lên trong cuộc sống.
Khắc Bảy