Sách do NXB Hà Nội ấn hành nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2024). Là người yêu sách, mê sách, mỗi “đứa con tinh thần” của Hồ Quang Lợi là một sản phẩm văn hóa, vì thế ông rất nâng niu, chăm chút để nó luôn hay và đẹp. Người trên đường đời cũng thế!
Tấm lòng với đời, với nghề, với những người đã gặp…
Cuốn sách tuyển chọn các bài viết về “những con người đã tạo dấu ấn rất sâu sắc trong cuộc đời cầm bút gần 45 năm của tác giả”. Trong đó, có nhiều người là lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và thế giới, với vai trò, sứ mệnh, hoàn cảnh đặc biệt và đóng góp to lớn của mình, đã tác động mạnh mẽ tới dòng chảy của lịch sử Việt Nam trong suốt thế kỷ qua. Tác giả chia sẻ: “Chính những con người đó, với bước đường đầy gian truân, thử thách và cống hiến của họ, là những ánh lửa đẹp, nhân lên niềm tin về giá trị đích thực trong cuộc sống này”.
Cuốn sách của ông đầy tính nhân văn, là tấm lòng với đời, với nghề, với những con người ông đã gặp. Những gì Hồ Quang Lợi viết chính là những gì ông đã sống, đã trải qua, đã cảm nhận. Văn của ông cũng giống như cuộc đời ông, luôn thấm đẫm cái nhìn nhân ái, về những điều tích cực và tốt đẹp của cuộc sống. Trên mỗi trang sách hay ngoài đời, Hồ Quang Lợi đều cho ta thấy một trí tuệ mẫn tiệp, một tâm hồn trong trẻo, một trái tim sôi nổi với thời cuộc và luôn dành cho mình, cho mọi người những khoảng lặng cần thiết giữa cuộc đời đầy biến động.
Qua bút pháp khác biệt và văn phong mềm mại, uyển chuyển của Hồ Quang Lợi, người đọc có thể thấy những con người dù rất quan trọng hay người bình thường, những phận người, những phẩm cách và cả những biến động thời cuộc. Rất khác với những cuốn sách trước đây, phần lớn là các tác phẩm của một cây bình luận quốc tế hàng đầu Việt Nam viết về thời cuộc, ở Người trên đường đời, con người là chủ thể chính, là bởi, cao nhất là con người, vĩ đại nhất là con người, bình dị nhất cũng là con người và vui nhất, buồn nhất, đau khổ nhất, đều là con người. Giữa những buồn vui, cay cực, giữa con tạo xoay vần, con người vẫn thể hiện giá trị của mình trong vũ trụ và thế gian này.
Người trên đường đời chia làm 4 phần. 7 chân dung ở phần 1 “Người giữa phong ba” và 11 chân dung ở phần 2 “Phẩm cách” đều gắn với những sự kiện lịch sử hoặc những đổi thay của đất nước. Ở đó, người đọc thấy được chân dung của những nhà lãnh đạo cấp cao, những nhân chứng lịch sử, những người có quyền quyết định vận mệnh, sự phát triển của đất nước như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan; Nguyên Bí thưTỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc; Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị…
Phần 3 của cuốn sách “Chở bao nhiêu đạo…” tác giả viết về các văn nghệ sĩ, những bậc trí thức mà ông yêu quý như: Nhà báo Hữu Thọ; Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; Nhà sử học Phan Huy Lê; Nhà báo Phan Quang; GS Vũ Khiêu; Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT, nhà báo Phan Khắc Hải; Nhạc sĩ Hồng Đăng…
Hồ Quang Lợi dành phần 4 “Ánh sáng của lương tri”, cũng là phần cuối của Người trên đường đời, để viết về những người bạn quốc tế vô cùng yêu mến Việt Nam, những nhân vật tầm cỡ thế giới và cả những người có thể làm thay đổi trật tự thế giới, có thể tác động đến sự phát triển của loài người. Có thể gặp trong trang sách của ông: V. Putin; Bill Clinton; Bob Kerry; Raymond Aubrac; Francois Mitterrand; Bill Gates…
Vì cuộc đời này… mà lấp lánh
Dường như, miền địa linh nhân kiệt, miền đất học nổi tiếng cả nước - Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An quê hương ông và dòng họ Hồ lừng danh cùng những năm tháng tuổi thơ nghèo khó, đã khiến ông càng thêm nỗ lực. Tôi vẫn nhớ câu chuyện ông kể khi ngồi tại ngôi nhà ở quê. Nghĩ về những biến cố cuộc đời, nghĩ về quê hương, dòng tộc, về mẹ, về anh chị em, về người cha đã mất mà ông phải cố gắng hơn bạn bè rất nhiều lúc đi du học tại Rumani và cả cuộc sống sau này.
Hồ Quang Lợi là một người mạnh mẽ, kiên quyết và rất nguyên tắc. Về nước sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Bucarest (Rumani), Khoa Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài, chuyên ngành Văn học Pháp, Hồ Quang Lợi trở thành phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Gần 30 năm làm việc trong môi trường quân đội, ông mạnh mẽ, chuẩn chỉ giờ giấc, nguyên tắc là đương nhiên. Sau này, khi là Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, rồi Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Thư ký Liên đoàn các Nhà báo ASEAN, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, ông vẫn có những nguyên tắc của riêng mình.
Thế nhưng, ẩn sau con người ấy lại là một tâm hồn rất nhạy cảm, tinh tế, nhân ái và tư tưởng tự do, luôn sáng tạo với những điều mới mẻ. Có lẽ là do bản tính trời sinh, do được sinh ra trong một gia đình mà tình yêu thương luôn đầy ắp, gắn kết các thành viên; cũng có lẽ do ảnh hưởng của những năm tháng ông học tập ở Rumani - vùng đất cổ Đông Nam Âu với nền văn hóa La Mã cổ đại, nơi giao lưu của tất cả các nền văn hóa, nơi có hầu hết các nền văn minh nhân loại, nơi có kho tàng và truyền thống văn hóa giàu có, lâu đời.
Hồ Quang Lợi có một bộ sưu tập giải thưởng báo chí, văn học mà bất kỳ người làm nghề nào cũng mong ước: 9 giải Báo chí Quốc gia và toàn quốc (trong đó có 5 giải A) các năm: 1991, 1997, 2003-2006, 2008-2009; 2 giải thưởng Văn học, Nghệ thuật, Báo chí về Chiến tranh Cách mạng và LLVTND (1991-1995; 1999- 2004); 2 giải Nhất giải Báo chí Ngô Tất Tố (2008, 2017).
Từ khi còn là sinh viên, chúng tôi đã rất ngưỡng mộ ông, một nhà bình luận quốc tế nổi tiếng của Báo Quân đội Nhân dân. Các bài bình luận sắc bén của ông về chiến tranh Vùng Vịnh, sự sụp đổ của các nước XHCN Liên Xô và Đông Âu, chiến tranh Nam Tư, khủng bố 11.9, chiến tranh ở Afghanistan, các cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ…, với lối viết tài hoa, đầy mỹ cảm, đầy chất văn học, từ ngữ ông dùng cực đắt, cuốn hút người đọc từ chữ đầu tiên đến chữ cuối cùng.
Tác phẩm báo chí của Hồ Quang Lợi thể hiện một kiến văn sâu rộng, tư duy mạch lạc, bút lực dồi dào và lao động nghề nghiệp nghiêm túc. Chỉ đọc tên các cuốn sách cũng thấy được ông đã đam mê nghề báo, dành tâm huyết cho nghề thế nào và tài hoa của ông cũng ở đó: Cuộc bứt phá toàn cầu (1997); Ẩn số thời cuộc (2004); Xung chấn kỷ nguyên đột biến (2011); Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc (2012); Những chân trời cuộn sóng (2013); Hà Nội - Cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại (2014); Thế sự và mắt nhìn (2015); Nước Nga hành trình tới tương lai (2017); Thời cuộc và Văn hóa (2019); Người trên đường đời (2024); Một thập kỷ những bài báo hay (1988)…
Văn của ông không thừa một chữ. Trong bài Khi Tổng thống F.Mitterrand đến Điện Biên Phủ, ông viết: “Tổng thống đưa mắt nhìn những khẩu pháo, những xe tăng tàn tích đứng trơ trọi giữa cánh đồng Mường Thanh… Cách không xa nơi Tổng thống đứng là những đoạn hào, những hầm chiến đấu, dấu vết thời chiến trận được bảo tồn khiến mưa nắng 39 năm chẳng thể lấp đầy. Tổng thống lặng im nghe, chốc chốc lại phóng tầm mắt ra xung quanh. Lòng chảo lúc này yên bình quá! Thế mà 39 năm trước, trong 56 ngày đêm, sức nặng của lịch sử đã dồn xuống lòng chảo này, tạo nên một trong những cuộc đụng đầu khốc liệt nhất, kỳ lạ nhất của lịch sử chiến tranh hiện đại”. Chỉ một đoạn ngắn, người đọc như đang thấy Tổng thống Pháp, người quyền lực nhất của bên thua cuộc, thăm lại nơi mà quân đội của họ đã phải buông súng đầu hàng. Cũng có thể thấy được chảo lửa Điện Biên Phủ, nơi đã chịu những khốc liệt của chiến tranh, nơi mà để có được hòa bình như hôm nay, máu của bao người đã đổ.
Mỗi nhân vật qua trang sách của Hồ Quang Lợi đều để lại dấu ấn với người đọc, để hiểu hơn về người viết và người được viết, để tin yêu thêm cuộc sống này. Với tôi, Hồ Quang Lợi cũng là một ánh lửa hồng, rực rỡ giữa thế gian, vì cuộc đời này, vì những người ông yêu quý, mà lấp lánh.