Thanh Hóa là tỉnh có những vùng đồi núi thấp rải rác như Thạch Thành,Ướcmơđẹpvìmôitrườngcủacặpvợchồngtrẻnhan dinh everton Hà Trung, Bỉm Sơn... Đất đai màu mỡ, khí hậu nóng ẩm, là nơi lí tưởng để hình thành nên những nông trường dứa sạch với sản lượng lớn và chất lượng cao; trở thành địa phương có diện tích trồng dứa lớn nhất nhì miền Bắc - loại đặc sản mà không phải nơi nào cũng có được.
Dứa vốn là loại trái cây tuyệt vời của vùng khí hậu nhiệt đới. Không chỉ là thức uống bổ dưỡng, dứa còn có vô vàn những tác dụng diệu kỳ đối với sức khỏe con người. Thế nhưng từ nhiều năm nay, dứa bị rớt giá trầm trọng do không tìm được đầu ra. Người nông dân bao năm gắn bó với nông trường dứa không thể vừa lo trồng trọt vừa lo làm thương mại cho quả dứa. Những chuyến hàng buôn bán nhỏ lẻ chẳng thấm vào đâu so với những vườn dứa vàng ươm đến ngày thu hoạch lại nằm chờ... Thậm chí có những mùa dứa, nông dân thu hoạch dứa rồi lại phải đau xót tìm chỗ đổ đi.
Hiểu được nỗi trăn trở đó của người nông dân, những năm vừa qua, một số doanh nghiệp đã chung tay cùng người nông dân Thanh Hóa tìm đường ra cho quả dứa như: xuất khẩu dứa, làm nước ép dứa hay detox (phương pháp chăm sóc sức khỏe hoàn toàn tự nhiên, giúp thanh lọc cơ thể bằng việc sử dụng chế độ ăn uống chứa nhiều rau xanh, chất xơ)...
Gần đây, trên báo chí cũng như trên một số trang mạng về tiêu dùng và bảo vệ môi trường xuất hiện một loại sản phẩm gắn liền với một cô gái trẻ có tên Bùi Thị Bích Ngọc của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa Biotech.
Bùi Thị Bích Ngọc sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa. Chứng kiến mỗi ngày có hàng chục tấn vỏ dứa đổ bỏ ra môi trường, số rác này nếu không được xử lý sẽ phân hủy, gây ra mùi khó chịu, hòa vào nguồn nước tự nhiên gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của người dân, Bích Ngọc đã trăn trở tìm hướng giải bài toán môi trường và cũng là để nâng cao giá trị quả dứa ở địa phương.
Trong quá trình tìm tòi, cô tình cờ được biết đến nghiên cứu của tiến sĩ Rosuko người Thái Lan có 30 năm nghiên cứu về Eco enzyme. Bằng phương pháp ngâm ủ thủ công và lên men tự nhiên từ vỏ trái cây, tiến sĩ Rosuko đã cho ra những sản phẩm sinh học giúp làm xanh cho trái đất, làm sạch cho môi trường và có tác dụng tốt cho sức khỏe cộng đồng.
Cũng qua say mê tìm hiểu, Bích Ngọc thấy trong các nguyên liệu ngâm ủ đó, dứa là nguyên liệu tốt nhất để làm ra các chế phẩm tẩy rửa sinh học, bởi trong vỏ dứa có rất nhiều a xít hữu cơ - chất tẩy rửa tự nhiên ban tặng. Đây chính là ứng dụng rất mới mẻ cho cây dứa xứ Thanh.
Từ ý tưởng đó, Bích Ngọc đã quyết tâm khởi nghiệp với việc thành lập Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa Biotech chuyên nghiên cứu, sản xuất nước tẩy rửa sinh học từ vỏ dứa, kết hợp thêm với các loại vỏ trái cây giàu vitamin, tinh dầu khác như vỏ cam, vỏ chanh, vỏ bưởi... để tăng thêm tính tẩy rửa, kháng khuẩn và mềm mại da tay.
Mặc dù không biết nhiều về công nghệ sinh học nhưng Bích Ngọc vẫn cố theo đuổi dự định. Cô tìm đọc tất cả các loại tài liệu liên quan, nhờ sự giúp đỡ của một số người có chuyên môn và uy tín trong ngành… rồi thu gom "rác" về ngâm ủ đủ cách. Nhiều người thấy vậy đã bảo đó là ý tưởng điên rồ, viển vông. Sau 2 năm với hàng chục lần nghiên cứu thử nghiệm thất bại, đầu năm 2019, Bích Ngọc đã chính thức đưa “đứa con tinh thần” của mình ra thị trường với 4 dòng sản phẩm là nước lau sàn, nước rửa chén bát, nước rửa tay và enzyme mang thương hiệu Fuwa3e - những chế phẩm tẩy rửa sinh học hoàn toàn tự nhiên, không chất tạo màu, không hóa chất độc hại. Đây đều là những sản phẩm tẩy rửa an toàn lành tính, vừa không gây ô nhiễm môi trường, vừa không để lãng phí nguồn rác thải hữu cơ. Đáng nói là ý tưởng khởi nghiệp này không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh doanh mà còn giải quyết được những vấn đề môi trường và xã hội.
Hiện nay, chất tẩy rửa nói chung và nước tẩy rửa dùng trong sinh hoạt hàng ngày nói riêng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm tẩy rửa này đều được sản xuất theo phương pháp công nghiệp với thành phần là các chất hóa học tổng hợp gây ô nhiễm môi trường. Những năm gần đây, một số loại nước tẩy rửa có nguồn gốc hữu cơ được nhập khẩu từ nước ngoài hay sản xuất trong nước nhưng có giá thành khá cao nên ít được người dân lựa chọn. Sản phẩm Fuwa3e ra đời đã đón đầu được xu hướng tiêu dùng xanh, lại có giá thành thấp hơn những sản phẩm cùng loại nên đã được khách hàng hồ hởi đón nhận.
Những sản phẩm này của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa Biotech đã được Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh công nhận tỷ lệ diệt khuẩn đạt 98%, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm. Hiện tại, các sản phẩm nước tẩy rửa của Fuwa3e đã lên kệ ở nhiều siêu thị và cửa hàng uy tín ở một số tỉnh, thành phố như: Thanh Hóa, Hà Nội, Đà Nẵng... Người tiêu dùng cũng có thể tìm mua các sản phẩm này trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo hoặc trên Fapage như Eco House Hà Nội…
Điều đặc biệt là, tháng 4 vừa qua, Ban chỉ đạo chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) của TP Thanh Hóa phối hợp cùng Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa Biotech đang hoàn tất các thủ tục, hồ sơ để sản phẩm nước tẩy rửa Fuwa3e được công nhận là sản phẩm đạt chất lượng OCOP của tỉnh Thanh Hóa trong năm 2020.
Mới rồi, có dịp ghé thăm cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa Biotech tại đường Phượng Hoàng, phường Đông Cương, TP Thanh Hóa, tôi đã được nghe cặp vợ chồng trẻ Bùi Thị Bích Ngọc, Lê Duy Hoàng trò chuyện, giãi bày rất say sưa:
- Không có ngành nghề sản xuất nào mà không đem lại một phần gánh nặng cho môi trường, nhưng điều đáng mừng là sản phẩm của chúng cháu, cả quy trình sản xuất không những không ảnh hưởng đến môi trường mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Qua câu chuyện của cặp vợ chồng trẻ, chúng tôi đã hình dung cụ thể hơn về quy trình sản xuất: Từ nguyên liệu sử dụng là vỏ dứa và các loại vỏ trái cây khác, qua quá trình ngâm ủ enzyme, việc quấy đảo hàng ngày làm tỏa ra một lượng đáng kể khí O3. Khí O3 có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, nấm mốc, xua đuổi côn trùng, thanh lọc không khí, thanh lọc khí metan trên những đám mây đen bay ra từ các nhà máy. O3 khi kết hợp N2O, CO2, O2 có trong không khí tạo ra NO3, CO3 rơi xuống, tạo nên nguồn khoáng chất dồi dào cho đất, làm trong sạch nguồn nước, giúp cây cối tốt tươi. Cuối cùng, bã enzyme lại là nguồn phân bón hữu cơ tuyệt vời, được đưa vào các nông trại sạch để cải tạo đất và chăm sóc cho cây trồng...
Bùi Thị Bích Ngọc bên đống vỏ dứa được thu gom để ngâm ủ chế biến nước tẩy rửa. |
- Thế các cháu có dự định gì trong tương lai? – Tôi hỏi.
- Dạ, trong tương lai gần, chúng cháu sẽ phổ biến rộng rãi công nghệ enzyme tới cộng đồng, xã hội hóa trong sản xuất để tạo việc làm cho người dân có thêm thu nhập, đồng thời cho ra đời thêm nhiều sản phẩm nước tẩy rửa từ dứa mang thương hiệu Fuwa3e. Đó cũng là cách tiếp tục biến rác thải thành sản phẩm có giá trị cho cộng đồng, cho trái đất. Còn về lâu dài, chúng cháu mơ ước rằng, cũng như dứa, Fuwa3e sẽ trở thành đặc sản của xứ Thanh, không chỉ vì giá trị thương mại mà còn vì ý nghĩa mà sản phẩm đã mang lại cho cộng đồng, cho môi trường và hệ sinh thái bền vững cho thế hệ mai sau! - Đôi vợ chồng trẻ trả lời đầy tự tin.
Chúc cho ước mơ đẹp vì môi trường của cặp vợ chồng trẻ sẽ sớm thành hiện thực!
Nguyễn Hữu Mão