BP - Tại chương trình “Thắp sáng ước mơ ngày trở về” năm 2017 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp Ban giám thị Trại giam Tống Lê Chân tổ chức,ỗilogravengcủangườhà nội vs công an hà nội phạm nhân Nguyễn Thị Ái Thương (đang chấp hành bản án chung thân về tội Giết người) đã nói lên những suy nghĩ của mình. Những ngày trong trại, Thương không ngừng ăn năn, day dứt và đã viết thư gửi mẹ như lời tâm sự từ đáy lòng của đứa con lầm đường lạc lối. Bức thư gửi mẹ của Thương đã làm không ít người bật khóc trước sự day dứt của người con sau khi phạm tội, về tấm lòng của người mẹ luôn hướng về con khi trong trại giam phạm nhân mới nhận thức được.
Hậu họa từ ghen
Nguyễn Thị Ái Thương (1992), quê huyện Krông Bông (Đắk Lắk). Dù cuộc sống khó khăn, cha mất sớm nhưng Thương được mẹ và các anh chị hết mực thương yêu.
Nguyễn Thị Ái Thương (bên phải) tại chương trình “Thắp sáng ước mơ ngày trở về”
Năm 19 tuổi, Thương đi làm công nhân tại TP. Hồ Chí Minh và đã đem lòng yêu anh Lê Hồng Thơm. Tối 25-5-2011, Thương cùng nhóm bạn rủ nhau đến quán ốc trước cổng trụ sở Tòa án quân sự khu vực 2, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 để nhậu. Tại đây, một người trong nhóm gọi điện cho Thơm cùng ra chơi chung. Khoảng 5 phút sau, Thơm chở chị Trần Thị Phương Hà (1992) đến. Khi ngồi nhậu chung thì Thơm có những cử chỉ âu yếm Hà trước mặt mọi người. Thấy vậy, Thương ghen tức và không giữ được bình tĩnh nên ra chỗ để hàng của chủ quán ốc lấy dao và đâm vào lưng Hà một nhát khiến nạn nhân tử vong ngay sau đó. Ngày 30-11-2012, Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Nguyễn Thị Ái Thương mức án tù chung thân về tội “Giết người”.
“Sau khi tòa tuyên án, em đã suy sụp hoàn toàn. Nhiều đêm nằm trong trại em đã nghĩ đến việc quyên sinh. Nhờ sự động viên của gia đình, cán bộ quản giáo, em dần dần lấy lại sự thăng bằng trong cuộc sống và đã vượt qua” - Thương cho biết.
Lời nhắn nhủ muộn màng
Trả giá cho hành vi phạm tội của mình, Thương không chỉ đối diện với bản án chung thân mà còn chịu sự dằn vặt lương tâm. Đặc biệt, mỗi lần mẹ Thương đã ở cái tuổi bên kia sườn dốc cuộc đời, vượt gần 700km để thăm con thì Thương lại có thêm nghị lực để vượt qua sóng gió và khao khát phục thiện hơn bao giờ hết.
Đến thời điểm này, Thương đã thụ án được gần 6 năm. Thương kể, bản thân có hai nỗi day dứt lớn, đeo đẳng từ khi vào trại giam đến nay. Đó là cảm thấy rất có lỗi với gia đình Hà - nạn nhân trong vụ án. Chỉ vì thiếu kiềm chế mà Thương không chỉ đánh đổi tuổi thanh xuân và khép lại cuộc đời sau song sắt trại giam mà còn làm cho bố mẹ Hà mãi mãi mất con. Còn với gia đình Thương vốn đã nghèo khó, nay vì lỗi lầm của con gái mà phải tủi hổ với họ hàng, lối xóm. Càng nghĩ, càng thấy ân hận về hành vi nông nổi của mình nên ở trong trại giam Thương rất muốn gửi lời xin lỗi tới gia đình Hà cùng mẹ và các anh chị của mình. Thế nhưng, do mặc cảm tội lỗi nên mãi đến hôm nay, Thương mới đủ can đảm để viết nên những suy nghĩ của mình và hứa sẽ học tập, cải tạo thật tốt để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, với hy vọng được trở về sống trong vòng tay thân yêu của gia đình. Đồng thời Thương mong xã hội, cộng đồng, gia đình bị hại tha thứ cho hành vi phạm tội của mình... Thương cũng mong các bạn trẻ lấy đó làm bài học, đừng vì suy nghĩ bồng bột, nông cạn, thiếu kiềm chế gây ra hậu quả khôn lường.
Giờ đây phạm nhân Nguyễn Thị Ái Thương đã nhận thức được sai lầm của mình nên càng ra sức học tập, cải tạo chuộc lại lỗi lầm để mong có ngày được đoàn viên cùng gia đình và làm lại cuộc đời.
X.T