Theo ghi nhận của giới kinh doanh, ngày 8/9, giá thép trong nước tiếp tục bật tăng với mức tăng cao nhất lên tới gần 500.000 đồng/tấn. Trước đó, ngày 31/8, giá thép trong nước được các công ty điều chỉnh tăng đến 810.000 đồng/tấn. Như vậy tính với 2 lần tăng giá này, giá thép tăng khoảng hơn 1,3 triệu đồng/tấn, chấm dứt 15 lần giảm liên tục từ 11/5/2022.
Theo đó, kể từ ngày 8/9, thị trường ghi nhận thép Việt Đức, Hòa Phát, Việt Ý, Pomina... đồng loạt tăng giá trên toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây ở mức trung bình 150.000 - 200.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT). Trong đó, thép Pomina là thương hiệu có mức tăng mạnh nhất tới 450.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 lên 16,24 triệu đồng/tấn; thép cuộn CB240 lên 15,33 triệu đồng/tấn sau khi tăng 250.000 đồng/tấn.
Tại miền Bắc, thép Hòa Phát vừa điều chỉnh tăng giá, với 2 dòng sản phẩm của hãng gồm dòng thép cuộn CB240 tăng 190 đồng, lên mức 14.820 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 150 đồng có giá 15.430 đồng/kg. Thương hiệu thép Việt Ý điều chỉnh giá bán, hiện thép cuộn CB240 tăng 150 đồng, từ mức 14.570 đồng/kg thành 14.720 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 tăng 200 đồng, có giá 15.220 đồng/kg. Thép Việt Đức thay đổi tăng giá, dòng thép cuộn CB240 tăng nhẹ 80 đồng, lên mức 14.720 đồng/kg; còn thép thanh vằn D10 CB300 tăng 280 đồng, hiện ở mức 15.430 đồng/kg.
Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Văn Chung |
Tại miền Nam giá thép của Hòa Phát cũng được các công ty điều chỉnh tăng cao hơn miền Bắc. Cụ thể, thép thanh vằn D10 CB300 được Hòa Phát điều chỉnh tăng mạnh 340 đồng lên mức giá 15.430 đồng/kg. Thép Pomina cũng tăng giá bán, với dòng thép cuộn CB240 tăng 340 đồng, hiện có giá 15.220 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 350 đồng, lên mức 16.040 đồng/kg. Giá thép tăng 2 lần trong tuần qua phần nào cho thấy, dự báo của các chuyên gia kinh tế trở thành hiện thực.
Hiệp hội thép Việt Nam cho rằng, thị trường thép đang chờ đợi những tín hiệu tích cực trong quý IV/2022, bởi theo thông lệ đây là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy nhanh tiến độ. Đây cũng là tín hiệu tốt cho doanh nghiệp thép đẩy hàng tồn kho còn khá lớn từ đầu năm đến nay.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, nhu cầu thép xây dựng sẽ sớm phục hồi khi giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam tăng tốc từ cuối năm sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 hoàn thành giai đoạn phê duyệt thủ tục. Nguồn cung bất động sản hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép.
Trong 10 ngày đầu tháng 9/2022, thị trường đón nhận tín hiệu tích cực của việc giá cước vận tải hạ nhiệt sau 7 lần giá xăng được Liên Bộ Công thương - Tài chính điều chỉnh kể từ đầu tháng 7 đến nay (trong đó 6 lần giảm, 1 lần giữ giá).
Tại Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, đến thời điểm này đã có khoảng 30% các đơn vị vận tải trên địa bàn đã kê khai giảm giá cước, mức giảm trung bình từ 5 - 10%.
Trong số các đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh, đáng chú ý, Công ty cổ phần Hoàng Hà có xe chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình giảm giá từ 120.000 đồng/vé xuống còn 100.000 đồng/vé; Công ty TNHH Đoàn Xuân có xe chạy tuyến Hà Nội - An Lão, Tiên Lãng (Hải Phòng) giảm từ 130.000 đồng/vé xuống còn 120.000 đồng/vé; Tuyến Hà Nội - Quý Cao (Hải Dương) giảm từ 90.000 đồng/vé xuống còn 80.000 đồng/vé và tuyến Hà Nội - Hải Dương giảm giá từ 80.000 đồng/vé xuống 70.000 đồng/vé.
Giá gas giảm mạnh trong tuần đầu tháng 9Trong khi giá thép bật tăng, thì giá gas trong nước tiếp tục giảm mạnh do giá trên thị trường thế giới giảm. Đây là tín hiệu tích cực góp phần giúp cho chỉ số CPI được kiềm chế trong tháng 8 và 9/2022. Theo Tổng công ty Gas Petrolimex, nguyên nhân giảm giá là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 9 ở mức 640 USD/tấn, giảm 25 USD/tấn so với tháng trước. Trong khi đó, giá gas thế giới tháng 9/2022 được công bố giảm 25 USD/tấn so với tháng 8/2022. |
Từ ngày 20/8, Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội cũng triển khai giảm giá trên hàng loạt tuyến buýt kế cận và xe khách liên tỉnh. Cụ thể, tuyến Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Quế Võ (Bắc Ninh) áp dụng mức giá 55.000 đồng/vé, giảm 5.000 đồng (tương đương giảm 8,3%); tuyến Bến xe Mỹ Đình - Bắc Giang áp dụng mức giá 85.000 đồng/vé, giảm 5.000 đồng (5,6%); tuyến Bến xe Mỹ Đình - Lạng Sơn và Bến xe Mỹ Đình - Bãi Cháy (Quảng Ninh) cùng có mức giá 110.000 đồng/vé, giảm 10.000 đồng (8,3%).
Cũng theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong hoạt động taxi, Công ty cổ phần Taxi CP Hà Nội đã giảm giá cước 4,5 - 5,6%. Với taxi sân bay kết nối trung tâm thành phố với sân bay Nội Bài, giá cước bình quân giảm 4,4%. Với dòng xe 7 chỗ, chiều Hà Nội - sân bay Nội Bài (trọn gói trong vòng 30km), hãng áp dụng mức giá 250.000 đồng (giảm 11%); từ 30 km trở lên áp dụng mức giá 16.500 đồng/km (giảm 6%)…
Việc giảm giá cước vận tải được người tiêu dùng ghi nhận, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cho rằng, hoạt động vận tải, nhiên liệu là yếu tố chiếm đến 30 - 40% chi phí cấu thành giá cước. Khi giá nhiên liệu giảm sâu, giá cước chỉ giảm 5 - 11% là chậm và không hợp lý.
Thời gian tới, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá hoặc trong lĩnh vực vận tải, trong đó có quy định về trách nhiệm kê khai, niêm yết giá cước vận tải. Các đơn vị kinh doanh vận tải cũng phải thực hiện đầy đủ những quy định trong lĩnh vực quản lý giá và quy luật thị trường, khi giá xăng xuống cần điều chỉnh giá hàng hoá xuống cho phù hợp với thực tế, nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích của doanh nghiệp và hành khách.