Khoảng cách giữa các đề xuất đã được thu hẹp
Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia, đại diện cho người lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 8%. Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 không thể thấp hơn 8% (tương đương 220.000 - 300.000 đồng/tháng).
“Mức tăng này được tính toán dựa trên con số khảo sát thực tế, hiện trạng của nền kinh tế, đặc biệt là mức tăng trưởng, doanh nghiệp nên tăng lương cho người lao động để đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. Mức tăng 8% sẽ đáp ứng được 95,4% nhu cầu sống tối thiểu, ông Chính cho biết thêm.
Trái ngược với đề xuất của người lao động, đại diện cho giới chủ sử dụng lao động lại đề xuất chưa tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2019. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đại đa số các hiệp hội doanh nghiệp đều kiến nghị chưa nên điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm nay nhằm tạo điều kiện cho chủ sử dụng lao động bồi dưỡng sức doanh nghiệp, nâng cao năng lực chi trả, dùng các kinh phí nếu có cho việc đào tạo, nâng cao năng lực tay nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu công việc, tăng năng suất lao động, từ đó tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tại phiên họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia, khoảng cách giữa các mức đề xuất đã được thu hẹp lại. Cụ thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn tiếp tục giữ mức đề xuất của mình là 8%, về phía đại diện cho chủ sử dụng lao động gồm VCCI đề xuất mức tăng 2%; Liên minh hợp tác xã đề xuất mức tăng 4%, còn đại diện hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội da giày, dệt may vẫn chưa đưa ra con số cụ thể dù đã đồng ý tăng.
Mức tăng sẽ phù hợp với tình hình kinh tế
Theo ông Mai Đức Chính, nếu không tăng lương tối thiểu vùng, hoặc giữ nguyên mức tăng như năm 2017 thì tiền lương của người lao động sẽ bị mất giá, có thể sẽ âm tới 4%. Vì vậy đề nghị Chính phủ quan tâm định hướng việc nâng lương tối thiểu năm 2019 cho người lao động với mức thỏa đáng.
Nhận định về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019, bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, lương tối thiểu phải đáp ứng được mức sống tối thiểu vào năm 2020.
“Với những thách thức cho nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm, cũng như làm sao để đảm bảo tiền lương thực tế cho người lao động. Bởi nếu tiền lương tăng được vài đồng, nhưng giá cả hàng hóa tăng thì việc tăng lương không còn ý nghĩa với người lao động. Đồng thời, việc tăng lương cần cải thiện được đời sống, giữ được việc làm cho người lao động, hài hòa với khả năng chi trả của doanh nghiệp để tạo ra việc làm ổn định. Đứng trên phía đại diện của nhà nước thì chúng tôi sẽ chỉ cầm tay tạo những cơ hội để 2 bên tiến gần lại nhau và tăng ở mức bao nhiêu phải hài hòa về mặt lợi ích. Vấn đề không phải là lợi ích của 2 bên mà là lợi ích của cả quốc gia về đảm bảo việc làm cũng như về an sinh xã hội và thậm chí cả vấn đề trật tự an toàn xã hội”, bà Minh phân tích.