Xuất khẩu gạo dự báo nhiều lạc quan trong nửa cuối năm 2022. Ảnh: TL |
Ông Nguyễn Quốc Toản cho hay, các thị trường tăng mạnh về xuất khẩu gạo là Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka. Không những vậy, xuất khẩu sang châu Âu (EU) dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 nhờ ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.
Cũng theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, những ngày đầu tháng 6/2022, giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng 10 - 15 USD/tấn so với tháng 5. Thị trường xuất khẩu gạo khá ổn định, nhu cầu mua vẫn ở mức cao. Hiện, gạo 5% tấm Việt Nam đã tăng trở lại mức 423 USD/tấn, gạo 25% tấm giá chào bán 403 USD/tấn, gạo 100% tấm giá bán 378 USD/tấn và gạo Jasmine 528 - 532 USD/tấn.
Từ đầu tháng 6/2022 đến nay, giá gạo xuất khẩu chất lượng cao có xu hướng tăng, từ 10 - 15 USD/tấn so với tháng 5. Cụ thể, gạo trắng thông dụng 430 - 440 USD/tấn; gạo Jasmine 540 - 550 USD/tấn; gạo trắng 5451 giá 480 - 490 USD/tấn; gạo Nhật 580 - 590 USD/tấn.
Đối với các loại gạo thường của Việt Nam (504, 5451, Đài thơm 8...) đang có giá tốt nhờ nhiều nước tăng lượng mua. Bởi thông thường mọi năm, Philippines đến đầu tháng 6 mới mở hạn ngạch nhập khẩu gạo, nhưng năm nay nước này nhập khẩu sớm nên thị trường sôi động từ tháng 5.
Với nhu cầu mua gạo của các thị trường đang tăng, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm, đặc biệt là thị trường Philippines và Trung Quốc, bởi sản lượng gạo Trung Quốc bị giảm sút do ảnh hưởng của lũ lụt và nguồn gạo dự trữ của Philippines đang giảm mạnh, cần nhập vào.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine, cũng như giá thành sản xuất nông nghiệp tăng trên toàn cầu, giá bán lương thực có thể tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Vì vậy, ông Đỗ Hà Nam khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần nắm xu hướng này khi đàm phán, ký hợp đồng để mang đến lợi nhuận./.