Việc Ngân hàng Nhà nước xin miễn trừ thủ tục hải quan để vàng nhập khẩu từ nước ngoài về kho nhanh hơn,ềuưuđxem tỷ số mu theo các chuyên gia có thể để lại tiền lệ xấu đối với các mặt hàng khác do nhà nước quản lý.
Mặt khác, nó cũng khó có thể kéo hẹp khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới, và sự ổn định của thị trường.
Nhập vàng, không thể làm qua loa
Với lý do cần phải đẩy nhanh việc nhập khẩu vàng nguyên liệu để kịp thời điều tiết, ổn định thị trường vàng miếng trong nước thông qua bán đấu thầu vàng, thời gian qua Ngân hàng nhà nước (NHNN) phải xin phép Chính phủ ban hành cơ chế riêng là miễn trừ thủ tục hải quan kiểm tra tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng cho rằng, mặt bằng giao nhận tại sân bay không thuận tiện, thời gian giao nhận diễn ra nhanh nên việc kiểm tra niêm phong, seri của NHNN và việc kiểm hóa vàng nhập khẩu tại sân bay của hải quan, yêu cầu phải cắt bỏ niêm phong nhà sản xuất của một số hộp vàng để kiểm tra sẽ gặp khó khăn, tạo nguy cơ gây mất an toàn tài sản, dễ lộ thông tin cho giới đầu cơ vàng.
|
Trong tờ trình của mình, NHNN cũng xin phép Chính phủ đưa vàng nguyên liệu vào danh mục nhóm hàng hóa đặc biệt được áp dụng quy chế miễn khai, miễn kiểm tra và miễn báo cáo thủ tục hải quan (cùng danh mục hàng hóa phục vụ cho các yêu cầu về an ninh, quốc phòng) trong luật Hải quan sửa đổi trình Quốc hội vào tháng 10 năm nay.
|
Trước đó, để tạo thuận lợi cho NHNN trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, góp phần bình ổn thị trường vàng trong nước, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng ban hành quyết định về việc miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu của NHNN (không phân biệt hàm lượng vàng của vàng nguyên liệu khi xuất khẩu, nhập khẩu). Trước một loạt đề xuất này, cuối tuần qua, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh mới có văn bản đồng ý việc miễn kiểm tra thủ tục hải quan đối vàng nhập khẩu của NHNN trong thời gian nhất định. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp với NHNN vận chuyển vàng về kho đảm bảo an toàn tài sản.
Bình luận về cơ chế này, chuyên gia kinh tế PGS-TS Ngô Trí Long, khẳng định việc nhập nhanh hay chậm không thể giải quyết được “căn bệnh” cố hữu của thị trường vàng trong nước. Thực tế, hiện nay vàng trong dân cũng không thiếu, con số dự báo lên tới hàng trăm tấn, nên cần có giải pháp căn cơ hơn để khai thác, chứ không phải tập trung xin cơ chế để đẩy nhanh nhập khẩu vàng, để bán. Mặt khác nếu coi như một loại vàng dự trữ ngoại hối thì càng không thể làm qua loa, bỏ qua những quy định kiểm soát chặt chẽ, bởi lỡ dính vào hàng giả, hàng nhái sẽ để lại hậu quả lớn cho quốc gia.
Cũng theo ông Long, kể từ khi NHNN đứng ra độc quyền vàng miếng về sản xuất, nhập khẩu, kèm theo đó là một loạt những cơ chế, biện pháp hành chính đặc thù mà không ngành nào, lĩnh vực nào có được. Dù thị trường có xu hướng ổn định hơn trước, nhưng hiệu quả thực sự của nó vẫn còn là một dấu hỏi, đặc biệt là các mục tiêu quan trọng chống vàng hóa, huy động nguồn lực vàng trong dân và thực hiện nghị quyết của Chính phủ kéo sát giá vàng trong nước và thế giới.
PGS-TS Ngô Trí Long cũng lo ngại, vì sao NHNN sau một thời gian dài độc quyền xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu nay lại phải xin cơ chế này. Liệu có hay không, trong thời gian qua những thông tin về khối lượng vàng nhập và thời gian nhập vàng về Việt Nam bị rò rỉ khiến giới đầu cơ vàng nắm được và đầu cơ giá. Vị chuyên gia này thừa nhận, bản thân ông đang thấy, chính sách về vàng miếng đang sử dụng quá nhiều cơ chế đặc thù, quá ưu ái, cũng như biện pháp hành chính thông qua “giấy phép con” có phần vụn vặt, thiếu đi một tư tưởng, định hướng điều hành mang tầm chiến lược. “NHNN cho rằng ngoài việc lo ngại đầu cơ, nếu được thông quan để vàng về kho nhanh giúp can thiệp kịp thời thị trường nhưng tôi không tin là như vậy. Dù có nhanh hơn, nhưng với mục tiêu chỉ bình ổn thị trường, không bình ổn giá suốt thời gian qua, dù đã tiến hành 55 phiên đấu thầu vàng, với số lượng gần 57 tấn, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới ngày hôm qua vẫn gần 3 triệu đồng/lượng”, ông Long đặt vấn đề.
Hàng hóa bình thường, cơ chế ưu đãi
Cùng quan điểm với PGS-TS Long, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), cho biết thêm, dù NHNN có đẩy nhanh việc thông quan, hay xin miễn thuế thì thực tế bản thân ông thấy chưa thực sự tin tưởng những chính sách này có thể giúp trị được tận gốc khoảng cách chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước, cũng như triệt tiêu được nạn đầu cơ trên thị trường. Theo chuyên gia này, việc xin miễn thuế hay xin miễn trừ thủ tục hải quan cũng không phải là vấn đề gì quá to tát, nó chỉ để giải quyết cho những tình huống nhất thời. Vấn đề lớn hơn cả là việc NHNN phải bằng những chính sách “căn cơ” hơn, “nung chảy” được nguồn vàng trong dân, đưa vào phục vụ cho nền kinh tế.
Tiếp tục bình luận về cơ chế miễn trừ thủ tục hải quan, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, việc đề xuất xin miễn trừ thủ tục hải quan, xin bổ sung vào danh sách mặt hàng an ninh, quốc phòng, thậm chí đề xuất đưa vào trong luật Hải quan sửa đổi sẽ vô tình để lại những dư luận không tốt về sự nhất quán trong điều hành chính sách, cũng như tiền lệ xấu đối với việc quản lý chính sách nói chung với các mặt hàng khác. “Nhiều người cũng nói với tôi rằng, liệu như vậy có hay không sự ưu ái quá mức, và sự thiếu bình đẳng đối với các loại hàng hóa khác, khi mà tự dưng vàng NHNN khẳng định chỉ là hàng hóa như bao hàng hóa khác. Nay đang được thông quan bình thường lại nhận được cơ chế ưu ái bỏ qua kiểm tra, giám sát”, PGS-TS Long đặt vấn đề.
Trao đổi với Thanh Niên, một chuyên gia tài chính ngân hàng cũng khẳng định, theo ông vấn đề hiện nay của thị trường không phải là việc thông quan nhanh hay chậm. “Muốn bình ổn thị trường, chống vàng hóa cần phải có chính sách căn cơ hơn. Đó là ổn định giá trị VND, kiểm soát lạm phát tốt, để người dân thấy không cần thiết phải giữ vàng nữa. Trong khi hiện nay, chúng ta nói chống vàng hóa nhưng lại ưu ái cơ chế cho nhập vàng nhiều hơn, bán ra nhiều hơn thì chống sao được. Mặt khác, còn dấy lên dư luận không tốt về sự độc quyền, ưu ái gây ra bất bình đẳng trong một nền kinh tế thị trường”, chuyên gia này thẳng thắn chia sẻ.
(Theo TNO)