Ý kiến trên không phải là không có cơ sở bởi KFC hiện được xem là một trong những hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh lớn nhất ở Việt Nam.
Mặt khác, sản phẩm chủ lực trong hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh đến từ Hoa Kỳ tại Việt Nam là món gà rán, trong đó có nhiều sản phẩm chế biến từ đùi gà.
Theo thông tin từ trang web của hệ thống nhà hàng này, KFC đã khai trương nhà hàng đầu tiên tại TP.HCM năm 1997.
Đến nay, hệ thống các nhà hàng của KFC đã phát triển tới hơn 140 nhà hàng, có mặt tại hơn 21 tỉnh/thành phố lớn trên cả nước.
Diễn biến nhập khẩu thịt gà từ Hoa Kỳ 6 tháng đầu năm 2018 và cả năm 2017. Biểu đồ: T.Bình. |
Thống kê cập nhật của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết tháng 6, cả nước nhập 47.718 tấn thịt gà từ Hoa Kỳ, chiếm 54% sản lượng nhập khẩu cả nước.
Tổng kim ngạch trị giá nhập khẩu mặt hàng thịt gà từ Hoa Kỳ đạt gần 46 triệu USD, tương đương mức giá bình quân gần 1 USD/kg, chưa tính thuế (hay khoảng 23 nghìn đồng/kg).
Đáng chú ý, mặt hàng, mặt hàng đùi gà chiếm ưu thế với hàng chục nghìn tấn được nhập khẩu về Việt Nam, trong khi đó cánh gà và gà loại khác số lượng thưa vắng hơn.
Cụ thể, hết tháng 6, tổng sản lượng đùi gà nhập từ Hoa Kỳ lên đến 47.224 tấn, chiếm đến gần 99% tổng sản lượng thịt gà các loại nhập khẩu từ thị trường này.
Năm ngoái, cả nước nhập 68.183 tấn thịt gà các loại từ Hoa Kỳ, chiếm 55,6% tổng sản lượng nhập khẩu cả nước. Và mặt hàng đùi gà cũng là sản phẩm nhập khẩu chủ yếu từ quốc gia này.
Tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu thịt gà từ Hoa Kỳ năm ngoái đạt gần 62 triệu USD, tính bình quân khoảng 0,91 USD/kg, thấp hơn mức bình quân 6 tháng đầu năm nay khoảng 0,05 USD/kg.
Việc doanh nghiệp nhập nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh là hoàn toàn bình thường trong xu thế hội nhập.
Nhưng, với một nước nông nghiệp như Việt Nam thì rõ ràng, việc doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI tăng cường nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài như thịt gà, cho thấy ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung đang bị cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà.