| Anh Nguyễn Văn Thế (bên trái) bên vườn trái cây trồng theo tiêu chuẩn VietGap |
Đổi thay nếp nghĩ Với người nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương, khái niệm hội nhập quá vĩ mô, to lớn. Ngay cả việc Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với nhiều cam kết mở cửa thị trường nông - lâm - thủy sản cũng là vấn đề họ dường như không hiểu, không biết và không quan tâm. Nhưng thực tế, hội nhập không phải là thứ gì đó xa vời vợi. Nó như làn gió mang theo luồng khí tươi mới, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách sản xuất truyền thống, từ đó diện mạo của nông thôn và vị thế người nông dân đã thực sự đổi thay. Cách Hà Nội vài chục cây số, chúng tôi theo đường quốc lộ 5 về với mảnh đất Hưng Yên nức tiếng “trong ngoài” nhờ quả nhãn. Dù có vô số những cánh đồng cây ăn trái tại xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, nhưng chúng tôi không khó khi tìm đến trang trại nhãn Miền Thiết của anh Nguyễn Văn Thế. Cả khu vườn của anh rộng tới trên 4ha chuyên trồng giống nhãn chín muộn Miền Thiết. Ngoài ra, anh còn trồng xen kẽ với một số loại bưởi chất lượng cao. Vừa dẫn lối thăm vườn, anh vừa chỉ cho chúng tôi xem hàng bưởi Diễn đang ra trái và bưởi Thái đang ra hoa mà anh mới trồng được hơn một năm nay. Nhằm phát triển bền vững và hướng đến xuất khẩu nên người nông dân này đã mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGap cho toàn bộ khu vườn. Nhờ vậy, sản phẩm nhãn của anh Thế đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Năm 2014, gần 1 tấn nhãn của anh và 142 hộ liên kết đã được giới thiệu sản phẩm tại Hoa Kỳ và được định giá 16 USD/kg. Thành công đó đã khiến anh tiếp tục vận động bà con Khoái Châu tham gia liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. “Tôi đã phải vận động bà con rất nhiều để họ nhận thấy lợi ích của việc liên kết và phải sản xuất theo tiêu chuẩn mới có thể xuất khẩu sản phẩm và bán được giá cao”- anh Thế tâm sự. Năm 2015, anh đã kêu gọi bà con thành lập tổ hợp tác gồm 200 thành viên (chiếm 2/3 diện tích nhãn của xã) sản xuất theo chuỗi với sản lượng 100 tấn phục vụ cho thị trường Hoa Kỳ. Không dừng lại ở đó, anh Thế còn đang nhân rộng mô hình liên kết trồng nhãn chín muộn với một số bà con ở Sơn La. Nhờ trồng nhãn theo tiêu chuẩn xuất khẩu, gia đình anh Thế đã thu được khoảng 2 tỷ đồng/năm. “Liên kết sản xuất đã ổn định, giờ chúng tôi phải tính tới khâu phân phối” - là lời tâm sự của người nông dân sinh năm 1969 với chúng tôi. Dù không còn trẻ nhưng anh Thế đang ấp ủ một dự án lớn lao cho chính bản thân và quê hương mình. Dự kiến, năm 2016, anh cùng với một số bạn bè sẽ xây dựng khu sơ chế tầm 2ha, có cả kho lạnh để tạo điều kiện kết nối với các doanh nghiệp phân phối. Mạnh dạn cách làm | Anh Phạm Năng Thành đang xếp chuối chuẩn bị xuất khẩu |
Cùng chung ý chí dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi để làm giàu từ chính đặc sản quê hương, anh Phạm Năng Thành - thôn Ninh Tập, xã Đại Tập, huyện Khoái Châu đã thu được 7-8 tỷ đồng/năm nhờ xuất khẩu chuối tiêu hồng. Xuất phát điểm chỉ có vài ha đất bãi ven sông, làm ăn nhỏ lẻ và bán nội địa, đến nay anh đã liên kết với nhiều nông hộ tạo ra “cánh đồng lớn” với diện tích 100 ha, cung cấp cho thị trường 7.000-8.000 tấn chuối/năm. Trong khi nhiều nông dân trồng chuối trên cả nước “khóc ròng” vì không tiêu thụ được thì trang trại “Thuận - Tâm - Thành” của anh lại không đủ chuối để xuất khẩu. Anh hiện là nhà cung cấp chuối đi Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Ả rập, Ai Cập và một số nước châu Âu… Điểm khác biệt nằm ở chỗ, trang trại của anh áp dụng công nghệ cao và sản xuất theo tiêu chuẩn mà nhà nhập khẩu yêu cầu. Trong đó, anh đã đầu tư hệ thống tưới tự động cho toàn bộ trang trại giúp giảm chi phí thuê nhân công, giảm lượng phân bón và giúp cây hấp thụ hết dưỡng chất. Đặc biệt, hệ thống này do anh chủ động mày mò, nghiên cứu từ trên mạng và tự thiết kế, lắp đặt, nhờ vậy chi phí đầu tư chỉ 20 triệu đồng/ha thay vì phải bỏ ra 40 triệu đồng/ha nếu thuê dịch vụ. Anh cho biết, để nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình, anh đã đầu tư xây dựng một nhà xưởng sơ chế rộng 400m2. Từ khi đi vào hoạt động, công suất của xưởng đã đạt 20 tấn chuối/ngày. “Sau khi sơ chế, đóng gói, các thùng hàng sẽ được xe nâng tự động xếp vào kho lạnh. Nhờ vậy tôi tiết giảm được chi phí thuê người bốc xếp lên đến 2 triệu đồng/container, từ đó giảm được giá thành”- anh Thành chia sẻ. Không dừng lại ở đây, trong thời gian tới, ah Thành mạnh dạn thành lập công ty để trực tiếp làm việc với các nhà nhập khẩu trên thế giới và bỏ qua khâu trung gian. Hơn nữa, anh dự định sẽ đầu tư phòng nuôi cấy mô để chủ động nguồn cây giống. Theo nhận định của anh Thành, nhu cầu nhập khẩu chuối từ Việt Nam vô cùng lớn. Mỗi ngày anh nhận được không biết bao nhiêu đơn đặt hàng nhưng không đáp ứng nổi. Tiêu biểu, hiện có nhiều nhà đầu tư Nga muốn nhờ anh tìm quỹ đất để hợp tác hoặc có đối tác yêu cầu anh mỗi tháng phải xuất được 50 container. “Hiện mình mới chỉ nhận mỗi tháng 15-20 container, tức là phải có 3 người như mình nữa mới đủ cung cấp được. Vậy phải liên kết thôi!”- ông chủ chuối 3T giải thích. Quả nhãn bé nhỏ của vùng đất Hưng Yên, sau khi xuất khẩu được vào Hoa Kỳ, đã khiến người nông dân chân lấm tay bùn nơi đây hồ hởi “đi theo” VietGap. Từ phương trời xa xôi nơi nắng đốt da người như Ả rập hay miền lạnh giá của nước Nga, những nải chuối tiêu hồng Việt đã “gửi” về cố hương thông điệp của giá trị khi áp dụng công nghệ cao vào trồng trọt… Cứ như thế, từng chút một, những hợp đồng xuất khẩu sẽ giúp người nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Đó chính là món quà mà hội nhập mang lại khi con người biết thay đổi để thích nghi và làm tỏa sáng những gì mình đang có. Hội nhập không phải là thứ gì đó xa vời vợi. Nó như làn gió thổi qua những cánh đồng, mang theo những luồng khí tươi mới, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách sản xuất truyền thống, từ đó diện mạo của nông thôn và vị thế người nông dân đã thực sự đổi thay. |
|