(CMO) LTS: Công tác quy hoạch sử dụng đất nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh - quốc phòng, nhất là trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế hiện nay, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược. Song, thực trạng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch sử dụng đất tại Cà Mau vẫn còn những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.
“Quy hoạch đất đai phải là nền tảng cho các quy hoạch còn lại. Song, đã qua công tác quy hoạch sử dụng đất dự báo chưa sát với tình hình, thiếu đồng bộ giữa quy hoạch của cấp tỉnh và huyện”, đó là đánh giá của Giám đốc Sở TN&MT Trịnh Văn Lên về tình tình quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Điệp khúc điều chỉnh quy hoạch
Đã hơn 15 năm qua kể từ khi Luật Đất đai năm 2003 ra đời, Cà Mau bắt tay vào xây dựng Quy hoạch sử dụng đất tầm nhìn đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu, giai đoạn 2011-2015. Khi đó địa phương được Chính phủ xét duyệt với diện tích 529.487 ha. Sau hơn 10 năm thực hiện, đến năm 2015, kết quả nhóm đất nông nghiệp thực hiện được 460.730 ha, cao hơn 755 ha, đạt 100,16%; Đất phi nông nghiệp thực hiện được 56.498 ha, thấp hơn 7.468 ha, đạt 88,33%; Đất chưa sử dụng thực hiện đến năm 2015 được gần 4.900 ha (đã khai thác đưa vào sử dụng được 4.087 ha), thấp hơn 655 ha so với kế hoạch, đạt 88,18%.
Luật Đất đai năm 2013 ra đời đã sửa đổi, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh. Theo đó, định hướng Điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 đất nông nghiệp 458.683 ha, đất phi nông nghiệp 58.853 ha, đất chưa sử dụng 4.583 ha, đất khu kinh tế 10.802 ha và đất đô thị 37.715 ha.
Bộ TN&MT đã xác định công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là nội dung quan trọng để làm cơ sở quản lý đất đai; Đặc biệt là căn cứ để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Do đó, Bộ đề xuất Chính phủ (tại Công văn số 849/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 28/2/2019) xem xét, phê duyệt Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020).
Công trình vi phạm quy định về sử dụng đất buộc trả lại hiện trạng ban đầu tại thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Khả Doanh |
Từ đầu năm 2019 đến nay, Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh ban hành 25 quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và gia hạn sử dụng đất cho các tổ chức trên địa bàn tỉnh để quản lý, sử dụng, với diện tích 1.150,53 ha.
Đồng thời, toàn tỉnh đã cấp được 33.079 GCNQSDĐ, với diện tích 11.818,94 ha. Trong đó, cấp 905 GCNQSDĐ lần đầu, với diện tích 448,56 ha. Luỹ kế đến nay đã cấp 346.482 GCNQSDĐ lần đầu, với diện tích 457.172,81 ha/476.496,7 ha đủ điều kiện được cấp, đạt 96%.
Chất lượng quy hoạch còn hạn chế
Kết quả là vậy, song trên thực tế công tác quy hoạch sử dụng đất được đánh giá, dự báo chưa sát, đúng tình hình, chưa đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh với cấp huyện, cũng như giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới. Một số công trình, dự án trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch ngành hiện nay vẫn chưa thống nhất, làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.
Điều bất cập nữa chính là Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh đến nay vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt. Từ đó, tỉnh chưa có cơ sở phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện để lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp huyện.
Trong quy hoạch sử dụng đất, huyện Ngọc Hiển bị "vướng" đất lâm nghiệp. |
Rõ ràng, ngay từ đầu vấn đề lập quy hoạch sử dụng đất đã vấp phải nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc. Thế nên, công tác tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất càng khó tránh khỏi những chồng chéo nhất định. Ông Trịnh Văn Lên cho biết: “Việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện theo quy định, nhưng nhận thức của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Phổ biến nhất là tình trạng sử dụng đất sai mục đích, đặc biệt là việc xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp”.
Mặt khác, hiện nay nhiều dự án kéo dài thời gian, giãn tiến độ thực hiện cũng do công tác quy hoạch sử dụng đất mà ra. Có những dự án phải đăng ký chuyển sang năm sau hoặc qua nhiều năm nhưng cũng không triển khai thực hiện. Trong khi đó, các công trình, dự án phát sinh trong năm tương đối nhiều, gây ảnh hưởng đến việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Ông Lên cũng nhìn nhận: “Chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao. Quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ với quy hoạch của các ngành. Việc dự báo nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các cấp còn hạn chế, độ chính xác chưa cao, chưa sát với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến tỷ lệ thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đạt thấp. Tỷ lệ thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm đạt thấp (chỉ đạt từ 50-60%)”.
Bên cạnh đó, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn thiếu các giải pháp có tính khả thi như: Không cân đối được nguồn vốn để thực hiện công trình, dự án; Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; Hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất còn khó khăn về nguồn vốn triển khai… dẫn đến các công trình, dự án thường kéo dài; Tiến độ thực hiện một số dự án sau khi giải phóng mặt bằng còn chậm./.
Quách Nguyên
Bài 2: Gỡ “nút thắt”