Tiêm phòng đúng lịch là giải pháp tối ưu phòng bệnh viên não do vi rút ở trẻ
Bệnh nguy hiểm
Tại Trung tâm Nhi,ẩntrọngbệnhviêmnãodovirútởtrẻttkqbd BV TW Huế, năm 2016 rải rác xuất hiện một vài trường hợp viêm não do vi rút, nhưng đến thời điểm này chưa phát hiện bệnh nhân nào mắc bệnh này dù tần suất mỗi ngày trung tâm đón đến khám, điều trị nội trú không dưới 300 trẻ. Bác sĩ Nguyễn Thị Như Lý, Khoa Tổng hợp 1, Trung tâm Nhi, BV TW Huế cho biết, bệnh viêm não vi rút là do nhiều loại vi rút gây nên, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao kèm theo các triệu chứng nhức đầu, buồn nôn, cứng cổ, co giật, đờ đẫn, hôn mê... Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh.
Nguyên nhân gây viêm não thường là các vi rút Arbo (trong đó, có vi rút viêm não Nhật Bản), vi rút Herpes, các vi rút đường ruột (như EV71 gây bệnh tay chân miệng), sởi, quai bị và các vi rút khác chưa biết rõ... Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng vi rút nên việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm xác định vi rút. Vi rút gây viêm não Nhật Bản tồn tại trên một số loài chim, chuột và muỗi. Muỗi vừa là ổ chứa, vừa là môi giới truyền vi rút sang người, với tên gọi là muỗi Culex Tritaeniorhynchus.
“Ở giai đoạn đầu của viêm não, người nhà thường chủ quan, nghĩ con bị sốt, viêm đường hô hấp thông thường. Do đó, có trường hợp bệnh nhân nhập viện khi đã có biến chứng. Khi được phát hiện sớm, não chưa bị tổn thương, tỷ lệ điều trị thành công sẽ cao, ít di chứng thần kinh hơn. Khi đã bị tổn thương não với biểu hiện mê sảng, hôn mê, co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt... việc điều trị rất khó khăn, nhiều trường hợp để lại di chứng suốt đời”, bác sĩ Lý nói.
Khám loại trừ trẻ mắc bệnh viêm não tại Trung tâm Nhi, BV TW Huế
Không lơ là tiêm chủng, diệt muỗi
Tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận 62 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Sơn La. Số ca mắc bệnh xuất hiện rải rác, ngoài Hà Nội, chủ yếu ở các tỉnh Hưng Yên, Nghệ An, Hà Nội, Sơn La, Khánh Hòa, Kiên Giang và Kon Tum. Riêng ở Thừa Thiên Huế, thời điểm này chưa ghi nhận một trường hợp nào viêm não do vi rút và viêm não Nhật Bản.
Lý giải điều này, PGS.TS. Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho rằng, viêm não do vi rút và viêm não Nhật Bản là bệnh có vắc xin phòng và những năm gần đây, đơn vị đã tham mưu Sở Y tế triển khai tiêm trong tiêm chủng thường xuyên tại xã, phường và được người dân tham gia với tỷ lệ rất cao. Các địa phương xuất hiện dịch viêm não là do công tác tiêm chủng theo kiểu "xôi đỗ", nghĩa là nơi có nơi không. Nếu tỉ lệ tiêm chủng ở các vùng có triển khai tiêm ngừa đạt 80-90% thì số trẻ chưa có miễn dịch vẫn rất lớn, đặc biệt là nhóm trẻ trên 5 tuổi...
Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Sơn, mắc bệnh viêm não vi rút thường là trẻ dưới 15 tuổi. Bệnh chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu; dù có thuốc kháng vi rút nhưng thuốc chỉ có tác dụng với một số loại chứ không phải tất cả các vi rút. Do đó, việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân. Để chủ động phòng chống bệnh viêm não vi rút, trong đó có viêm não Nhật Bản, các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin đầy đủ và đúng lịch. Người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường ở khu dân cư, vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, nhà ở sạch sẽ, ngủ màn và diệt muỗi tại các chuồng trại gia súc, loại bỏ các ổ bọ gậy... Nếu có các dấu hiệu sốt cao và kèm theo những rối loạn, như co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê… phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Bài, ảnh: Khánh Quan