Nhà nước chỉ đầu tư xây dựng công trình thủy lợi quan trọng
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Thủy lợi, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, có một số đại biểu đề nghị cần nghiên cứu chỉnh sửa quy định về đầu tư xây dựng công trình thủy lợi theo nguyên tắc: Nhà nước chỉ đưa ra cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng công trình thủy lợi để toàn xã hội thực hiện, nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, công trình thủy lợi là công trình thiết yếu phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp và nhiều ngành kinh tế khác, cần nguồn vốn lớn nhưng thu hồi vốn chậm, đồng thời lại chịu nhiều rủi ro và khó thu hút đầu tư. Trong nhiều năm qua việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi chủ yếu từ nguồn NSNN, khu vực tư nhân tham gia còn rất ít.
Do vậy, để bảo đảm phát triển công tác thủy lợi trong tình hình mới, dự thảo Luật quy định, Nhà nước đầu tư xây dựng công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn, công trình khó huy động các nguồn lực xã hội, công trình phục vụ phòng, chống thiên tai, công trình phục vụ quốc phòng, an ninh; ưu tiên đầu tư xây dựng hồ chứa nước ở vùng có nguy cơ thiếu nước cao, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, công trình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn..
“Quy định như vậy sẽ phát huy được vai trò chủ đạo của Nhà nước trong bảo đảm hạ tầng thủy lợi, đồng thời sẽ huy động được nguồn lực của xã hội cho công tác này”, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho hay.
ĐB Lưu Đức Long (Vĩnh Phúc) cho ý kiến, Nhà nước đảm bảo các nguồn lực cần thiết cho phát triển thủy lợi, từng bước tạo cơ chế tiếp cận thị trường, đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng, của các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động dịch vụ thủy lợi.
Còn ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề xuất thêm, Luật phải tính đến hiệu quả kinh tế và vấn đề an sinh xã hội, để đảm bảo không lãng phí trong đầu tư xây dựng, nguồn lực của chúng ta còn rất khó khăn.
Cho ý kiến thêm về điều này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Vấn đề xã hội hóa phải được thể hiện rất rõ, kể cả trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, khai thác và trách nhiệm sử dụng. Đây là một tinh thần mới của Luật, tất cả các đại biểu đều đồng tình nhưng phải làm sao chắc hơn. Bên cạnh chủ trương đó phải đảm bảo cân đối phát triển giữa vùng miền, những nơi khó khăn chứ không phải xã hội hóa đến mức mà đầu tư không có điều kiện để tập trung những vùng kém lợi thế”.
Kinh phí hỗ trợ phải theo quy định của Luật NSNN
Báo cáo giải trình cho biết, vì đây là một chính sách quan trọng và ảnh hưởng lớn tới khả năng cân đối NSNN khi chuyển đổi cơ chế tài chính của dịch vụ thủy lợi từ phí sang giá; nên có ý kiến đề nghị Dự thảo Luật cần quy định cụ thể đối tượng được hỗ trợ toàn bộ, đối tượng được hỗ trợ một phần tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.
Nhận thấy đây là ý kiến xác đáng nên nội dung này đã được đưa vào tại Điều 37 Dự thảo Luật và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Cụ thể, Điều 37 quy định, trong từng thời kỳ, căn cứ khả năng NSNN, Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi, phạm vi tính từ công trình đầu mối đến điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi không phân biệt nguồn vốn đầu tư trong các trường hợp sau: Hỗ trợ toàn bộ cho hộ nghèo; hộ cận nghèo thuộc gia đình chính sách; đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần cho cá nhân, hộ gia đình trồng cây lương thực và làm muối; Hỗ trợ một phần cho cá nhân, hộ gia đình trồng rau, màu, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi.
Dự thảo cũng quy định, kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi được NSNN bảo đảm, thực hiện theo quy định của Luật NSNN.
Cho ý kiến về quy định này, ĐB Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) nhất trí với các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ theo dự Luật; tuy nhiên, cần bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ, đó là hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần cho hộ gia đình có người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.
ĐB Lưu Đức Long (Vĩnh Phúc) cũng đề nghị, riêng gia đình chính sách không chỉ cho hộ cận nghèo mà các gia đình thuộc diện gia đình chính sách thì nên hỗ trợ toàn bộ.
Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng, trong những năm qua, thực hiện chính sách thủy lợi phí nhưng việc thu đã rất khó khăn, nay theo quy định của Dự Luật chuyển sang thực hiện giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi sẽ tác động lớn đến người dân, đặc biệt là người sản xuất nông nghiệp và tính khả thi không cao. Vì vậy, cần phải có lộ trình để thực hiện chính sách này. Do đó, điều này đã được tiếp thu và quy định tại khoản 2 Điều 6: “Chính phủ quy định cụ thể lộ trình thực hiện về thu giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi”./.
Duy Thái