Để tạo thuận lợi cho người dân, từ nhiều năm nay, tại mỗi xã được quy định thực hiện giao dịch tín dụng vào 1 ngày cố định, kể cả thứ Bảy hay Chủ nhật. Tại xã Tân Phú, huyện Thới Bình, giao dịch tín dụng chính sách thực hiện vào ngày 6 hàng tháng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay mà lại tiết kiệm được chi phí đi lại.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân phát triển mô hình đa cây, đa con tăng thu nhập. |
Quản lý 38 hộ vay với dư nợ trên 700 triệu đồng, bà Võ Thị Bích, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Kinh 5B, xã Tân Phú, cho biết, các hộ vay vốn về cải tạo đất nuôi tôm, trồng lúa, rồi trồng hoa màu, cây ăn trái, mua bán nhỏ… Nhờ có đồng vốn mà bà con có điều kiện phát triển kinh tế. Riêng gia đình bà được tiếp cận nguồn vốn này và phát triển mô hình đa cây, đa con. Mô hình này đáp ứng các bữa ăn trong gia đình với thực phẩm sạch. Ngoài ra, trung bình mỗi ngày bà còn bán được khoảng 200.000 đồng, rồi khi vào vụ thu hoạch ổi hay lúa - tôm thì thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Hiện xã Tân Phú có 4 tổ chức chính trị nhận uỷ thác với 45 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng đến nay là 47,15 tỷ đồng. Hàng năm, UBND xã chỉ đạo các ấp rà soát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách đủ điều kiện vay vốn gửi NHCSXH huyện Thới Bình để có cơ sở cho vay, đồng thời giám sát để nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cán bộ xã hướng dẫn các tổ tiết kiệm và vay vốn cùng người dân đến giao dịch khai báo y tế, đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn, sau đó được bố trí ngồi giữ khoảng cách trong hội trường. Nhờ đó, đảm bảo hoạt động giao dịch của ngân hàng trên địa bàn diễn ra an toàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác yên tâm sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Uẩn, Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú, huyện Thới Bình, chia sẻ, người dân chủ yếu là nuôi trồng thuỷ sản kết hợp lúa - tôm và trồng hoa màu. Thời gian qua, do đại dịch Covid-19, thêm giá vật tư tăng cao, sản phẩm làm ra giá không ổn định nên họ gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ đồng vốn tín dụng chính sách, bà con khắc phục được một phần khó khăn. Thời gian tới, xã phối hợp với NHCSXH và các hội uỷ thác lập danh sách kiến nghị lên cấp trên xin chủ trương hỗ trợ nguồn vốn để bà con khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Ðến ngày 20/12, tổng dư nợ các chương trình tín dụng tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thới Bình đạt trên 358 tỷ đồng, với 18.690 hộ vay, bình quân mỗi hộ vay gần 24 triệu đồng. Ðây là kênh vốn rất hữu hiệu để giúp đỡ bà con nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh để ổn định đời sống.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc phòng giao dịch NHCSXH huyện Thới Bình, cho biết: "Dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất kinh doanh của bà con, đặc biệt là đối tượng nghèo. NHCSXH huyện chỉ đạo cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn, UBND các xã, thị trấn rà soát những trường hợp rủi ro thì tiến hành lập hồ sơ đề nghị cấp trên xử lý rủi ro theo quy định. Ðồng thời, cũng rà soát đối tượng có nhu cầu vay vốn, đặc biệt là đối tượng nghèo, cận nghèo".
Cái khó hiện tại là bà con ngoài tỉnh về địa phương rất nhiều, riêng địa bàn huyện Thới Bình hơn 9.000 lao động về địa phương. Qua rà soát của các ngành chức năng, có hơn 1.000 đối tượng có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, tuy nhiên nguồn vốn hiện nay gặp khó khăn.
Trước tình hình người lao động trở về địa phương đông, sau khi các phòng giao dịch NHCSXH huyện phối hợp với ngành lao động - thương binh và xã hội tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương rà soát lao động trở về địa phương, NHCSXH tỉnh Cà Mau đã có tờ trình gởi NHCSXH Trung ương đề nghị bổ sung nguồn vốn cho vay. Kết quả, Trung ương đã bổ sung 9 tỷ đồng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và 10 tỷ cho vay giải quyết việc làm.
"Ðối với lao động trở về địa phương thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, NHCSXH đáp ứng 100% cho những hộ đủ điều kiện mà có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh.
Ðối với chương trình giải quyết việc làm, do nguồn vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm còn hạn chế, NHCSXH vừa phối hợp với Sở LÐ-TB&XH có tờ trình gởi UBND tỉnh đề nghị bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương với số tiền 200 tỷ đồng để giải quyết cho khoảng 50.000 lao động bị ảnh hưởng dich bệnh trở về địa phương", ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Cà Mau, cho biết./.
Phúc Duy