Huyện Phụng Hiệp hiện có hơn 9.000 tín đồ công giáo,ềnphpluậttrongđồbxhbd y chiếm hơn 4% dân số toàn huyện, tập trung nhiều ở xã Phụng Hiệp và xã Phương Phú. Thời gian qua, cùng với chính quyền địa phương, đồng bào giáo dân ở các địa phương đã triển khai thực hiện nhiều mô hình tuyên truyền pháp luật, từng bước nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tuyên truyền pháp luật trong đồng bào có đạo ở huyện Phụng Hiệp.
Xác định việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nên năm qua huyện đã đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền, chú trọng những địa bàn vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số và đồng bào vùng có đạo.
Xã Phương Phú có nhà thờ Đức Bà với khoảng 3.000 tín đồ công giáo. Để nâng cao nhận thức pháp luật trong giáo dân, chính quyền xã thường xuyên phối hợp với Mặt trận, đoàn thể tích cực tuyên truyền lồng ghép thông qua các cuộc họp chi, tổ hội; phối hợp với linh mục nhà thờ giảng pháp luật trong đồng bào. Đặc biệt, nhà thờ Đức Bà còn thành lập Ban “Công lý hòa bình” góp phần cùng với địa phương tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong giáo dân.
Ông Nguyễn Văn Quyển, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Phương Thạnh, xã Phương Phú, cho biết: “Với những trường hợp mâu thuẫn mà chính quyền cơ sở không thể giải quyết, thay vì chuyển lên xã thì trước mắt sẽ chuyển đến Ban “Công lý hòa bình” nhờ linh mục nhà thờ và những người uy tín trong họ đạo tiếp tục hòa giải. Vì vậy đã hạn chế được tình trạng kiện cáo vượt cấp”.
“Cũng nhờ chính quyền địa phương và nhà thờ tuyên truyền mà người dân như chúng tôi tích cực giáo dục con em mình, không để tình trạng gây rối mất an ninh trật tự. Bên cạnh đó, cũng nhờ mô hình của nhà thờ mà mâu thuẫn trong đời sống hàng ngày của dân được giải quyết kịp thời, không để những bất hòa kéo dài làm mất tình làng nghĩa xóm”, ông Ngô Văn Ơn, giáo dân ở ấp Phương Thạnh, cho biết.
Một trong những biện pháp đã và đang mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào giáo dân năm qua ở huyện là các địa phương phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của những người có uy tín trong vùng có đạo, như ở ấp Xẻo Môn, xã Phụng Hiệp - nơi có 310 gia đình có đạo.
Thời gian qua, bên cạnh hoạt động chính của Câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội nông dân thì với phương châm sống tốt đời, đẹp đạo, đồng bào công giáo nơi đây đã thành lập các mô hình: Tổ phụ nữ công giáo xây dựng nông thôn mới hay đồng bào công giáo chung tay bảo vệ môi trường... do giáo dân có uy tín làm tổ trưởng. Thông qua những mô hình này, chính quyền, đoàn thể ở xã đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các nội dung về Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Giao thông đường bộ… góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn. Bà Phạm Thị Thu Oanh, Tổ trưởng Tổ đồng bào công giáo chung tay bảo vệ môi trường ấp Xẻo Môn, cho biết: “Chị em ở đây sống bằng nghề nông, chủ yếu là đi làm ruộng nên hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế. Nhưng qua các cuộc họp tổ, nhóm đã lồng ghép tuyên truyền cho chị em hiểu, từ đó các chị có những hiểu biết hơn về pháp luật”.
Trường hợp của chị C., giáo dân ở ấp Xẻo Môn, do không hiểu biết pháp luật, những lần anh B. (chồng chị C.) nhậu say về hay đánh đập, nhưng chị vẫn cam chịu. Khi được tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, chị C. đã mạnh dạn trình báo để được giúp đỡ. Chị C. cho biết: “Sau khi trình báo, được chính quyền địa phương và giáo dân uy tín trong họ đạo khuyên răn nên giờ đây anh B. đã chí thú làm ăn, không còn nhậu nhẹt say xỉn và đánh đập vợ như trước nữa”.
Thông qua các mô hình, năm 2016, xã Phụng Hiệp tổ chức triển khai pháp luật trên 15 cuộc cho đồng bào giáo dân, với trên 500 lượt người tham dự. Qua tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mà ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước trong dân ngày càng được nâng cao. Ông Lê Văn Chí, Bí thư Đảng ủy xã Phụng Hiệp, cho biết thêm: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình tuyên truyền pháp luật trong đồng bào công giáo và trong toàn xã. Bởi những nơi có xây dựng mô hình như trên năm qua không xảy ra đơn thưa vượt cấp, bà con ở đó cũng ít xảy ra mâu thuẫn hơn so với trước kia”.
Ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng phòng Tư pháp huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Do đặc điểm là một huyện lớn nên những năm trước công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân gặp không ít khó khăn, đặc biệt là những khu vực vùng sâu hay đồng bào dân tộc, đồng bào có đạo. Tuy nhiên, năm qua, những địa phương như xã Phương Phú, xã Phụng Hiệp đã linh động trong tuyên truyền, biết vận động những giáo dân có uy tín cùng thực hiện nhiệm vụ đưa pháp luật vào cuộc sống. Nhờ thế, nhận thức của đồng bào giáo dân về pháp luật ngày một tốt hơn”.
Bài, ảnh: T.DUY - N.ANH